Nói tóm lại, nếu anh em Nguyễn Nhạc thành thực giúp đỡ thì Vua Chiêu
Thống không phải mệt mỏi gì cả mà được trị một nước gần như hòa bình.
Còn dân Bắc Hà thì ngoài tấm lòng hoài cựu của họ phai nhạt dần mà vui
vẻ phục tùng cái chính lệnh của nhà Lê, một chính lệnh xưa nay họ chưa
từng biết đến, vì giữa Lê Hoàng và dân chúng, vẫn có một bức tường ngăn
cách là họ Trịnh.
Tiếc rằng cái ý tốt của Nguyễn Nhạc chỉ có nói mà không có làm. Vì,
ngoài mặt tuy làm ra thong thả để đánh lừa Nguyễn Hữu Chỉnh và nhất là
tránh cho dân Bắc Hà khỏi nhân lúc về mà tập công nhưng trong bụng Nhạc
lúc nào cũng lo lắng việc vô Nam.
Nhạc ở Thăng Long không đầy một tháng.
Trong thời gian ấy thực ra cũng không giúp cho Vua Chiêu Thống được
việc gì. Chợt đêm hôm 17 tháng Tám năm Bính Ngọ, Nhạc cùng với Huệ
và vài viên bộ tướng là đập cửa điện, cáo biệt vua Lê, rồi lên đường.
Thế là quân Tây Sơn ra khỏi Bắc Hà.
Việc này đành là thế tất cả phải có và có lẽ cũng là diều mong thầm của
Vua tôi nhà Lê. Nhưng quân Tây Sơn kéo về một cách quá ư đột ngột,
không khỏi làm cho Vua Chiêu Thống choáng váng như người vừa tỉnh một
giấc chiêm bao, nhất là xung quanh nhà Vua không thấy có lấy một vài nhà
chính trị có tài để phòng đối phó với thời cục trước những sự việc bất ngờ
huống hồ nói đến sự trị an chung của toàn quốc, đến ngay Hoàng thành
cũng không có nổi một đội quân cho ra hồn để phòng vệ.
Ngồi cô độc giữa một cái thành không, nhà Vua lúng túng không biết xử
trí thế nào, phải cho triệu các quan và thượng nghị. Sau một hồi bàn cãi rất
lộn bậy, người ta đi tới ý định:
“Xuống chiếu hiệu triệu các thế gia và cố thần mộ quân về bảo vệ Thăng
Long.”