Kế ấy quả nhiên có hiệu quả ngay, nghĩa là chỉ trong khoảng mười hôm,
Thăng Long liền chật ních những đội quân rất ngô nghê và ô hợp chạm
nhau ở các phố phường. Lính Mường ở Hòa Bình do họ Đinh đưa về xen
lẫn với lính Thổ ở Lạng Sơn, ấy là chưa kể bao nhiêu đội quân khác ở các
trấn Trung Châu, tuy cùng nói một thứ tiếng, nhưng chẳng biết kỷ luật là gì,
vì toàn là những tên dân cày ngu ngốc mà người ta vừa phát cho bộ áo lính.
Thổ hào cũng như các vọng tộc, người nhiều là một nghìn quân, kẻ ít là
đôi ba trăm, lũ lượt kéo về Thăng Long, lấy danh là để bảo vệ Hoàng thành,
nhưng thực chất là để thỏa mãn tấm lòng hám danh của họ.
Bọn vô lại ở các nơi cũng thừa cơ tụ tập nhau lại, tự xưng là lính đi cướp
bóc các phố phường. Kinh thành Thăng Long với những đội quân trên, đã
hiện ra một quang cảnh rất buồn cười và vô cùng rối loạn.
Giữa lúc ai cũng hô lớn cái mục đích tôn quân để cầu một chút danh vị
thì Trịnh Lệ dắt bọn Dương Trọng Tế và Trương Tuân rầm rộ mang quân
vào thành, để đòi lại cái ngôi báu của chú khi xưa.
Lệ nguyên là con thứ của Minh vương Trịnh Doanh (em ruột Trịnh
Sâm). Chàng rất nhiệt tâm phú quý, nên đã nhiều lần âm mưu tranh cướp
ngôi Chúa Bắc Hà, nhưng đều không thành. Khi Sâm còn, Lệ đã vì thất bại
mà bị lột chức và tống giam, mãi đến lúc Khải lên cầm quyền, Lệ mới được
tha. Chợt quân Tây Sơn vào thành, Lệ không lo chống cự gì cả mà chạy
tuốt sang Văn Giang nương nhờ một người cháu ngoại. Nay nghe Tây Sơn
đã đi khỏi, liền vội vã quay về, đến bờ sông Phú Lương (Nhị Hà) thì vừa
lúc gặp Trung hầu Trương Tuân (nguyên Đốc trấn Kinh Bắc) và Dương
Trọng Tế một nhà nho cũng thiếu liêm sỉ như tài cầm quân. Lệ liền cho
nhập bọn mà cùng sang sông. Trọng Tế xưa kia đã từng tố cáo Lệ để cầu
công danh, nhưng nay thấy Lệ gần đi đến chỗ thành công thì quay cổ lại mà
xin hàng.