không? Sau rồi ông cho rằng có, chỉ có điều bọn họ không thấy được mặt
hài hước của hoàn cảnh họ đang lâm vào. Chẳng có ai giống ông ngồi đây
ngẫm nghĩ về tình huống cười ra nước mắt của mình.
Chiếc máy tính xách tay bóng lộn, màu xám bạc mà nhân viên ông
Mulholland trang bị cho Glass hiện nằm trên bàn làm việc trước mặt ông
như thầm thách ông mở máy. Cho đến giờ, ông không còn để tâm đến thách
thức ấy. Thời gian chuẩn bị sẵn sàng trước khi chấp bút đã qua ít nhất là
nhiều tuần, nếu không nói là nhiều tháng. Khi không biết làm gì, ông dành
nhiều giờ liền đọc lướt quá trình hình thành và hoạt động của OSS (tổ chức
tiền thân của CIA), CIA (Cục Tình báo Mỹ) và FBI (Cục Điều tra Liên
bang Mỹ), DST (mật vụ Pháp), DGSE (cơ quan tình báo Pháp) và SDECE
(tổ chức tiền thân của cơ quan tình báo Pháp). Glass còn xem qua thông tin
về KGB (cơ quan tình báo Nga), NKVD (mật vụ Nga) và GRU (tình báo
quân sự Nga). Tất nhiên, ông không thể bỏ qua hai cơ quan là MI5 và MI6.
Glass cố mãi nhưng vẫn không nhớ hai cơ quan này khác nhau điểm gì. Bù
đầu trong mớ chữ viết tắt khó hiểu, Glass cảm giác mình như anh hùng
trong chuyện cổ dân gian tìm đường thoát khỏi mê cung đầy kỷ hiệu ma
thuật và dấu hiệu báo điềm gở để đến hang ổ của thầy phù thủy đại tài.
Về Bill Lớn Mulholland, đúng là có điểm gì đó diệu kỳ. Ông từng là, hoặc
được cho là, loài chim hiếm nhất nhốt chung chuồng với nhiều loại chim
quý hiếm: điệp viên có lương tâm. Nhiều quan chức cấp cao trong hệ thống
tình báo Phía Tây tín nhiệm tính trung thực của Bill Lớn, đồng thời cũng
không ít người nguyền rủa nó. Người ta nói khi còn là giám đốc CIA, chính
Allen Dulles cũng nhắc đến Bill Lớn như “một gã cao đạo đáng ghét”.
William Mulholland, có tên đệm là Pius (người ngoan đạo), luôn tin rằng
ngành tình báo có bổn phận phải trung thực và công khai với dân chúng
trong chừng mực không làm phương hại đến an ninh quốc gia. Ông nói
giản dị: “Nếu không, sao ta có thể tự nhận mình là nhà nước dân chủ?”
Theo Glass nhớ thì học thuyết này được công nhận trong thập niên 50.
Theo Bill Lớn, chính mẹ ông, bà Margaret Mary Mulholland rèn cho ông
thói quen tự bắt mình phải trung thực như vậy. John Glass rầu rĩ nghĩ thầm: