- Thưa cha, đó là quốc thượng hầu Trần Nguyên Đán.
- Thôi được cha mừng vì các con đã chọn được chủ tốt mà thờ. Vả như
Nguyên Đán thì đến trẻ con còn biết tiếng là người hiền, con làm môn
khách ngài là đúng.
Biết không thể giữ được các con ở nhà, cụ đồ đã làm lễ cáo gia tiên, cáo
với vong linh bà đồ, độ trì cho các con. Cụ cho mở tiệc rượu tiễn các con,
nhưng không gọi người con cả vào nữa. Vì cụ đồ cảm nhận như Thuần đã
đốn ngộ, đã đạt tới sự vô ngã; cho nên Thuần sẽ không quan hoài đến việc
đi, ở, tụ, tán, thịnh, suy, ngay đến việc sinh việc tử với nó cũng như nhau cả
thôi.
Mỗi người một duyên nghiệp, cho nên trong tiệc tiễn hành, ba cha con
chỉ ôn lại các chuyện ấu thời của Trọng Mẫn và Hán Anh. Khi nói về những
năm thơ ấu hồn nhiên trong trẻo của các con, gương mặt cụ rực sáng lên.
Dường như nói về các con cũng là dịp cụ nhen lên cái tâm con đỏ của mình.
Sắp tới lúc cha con li biệt, cụ mới có đôi điều căn dặn:
- Vận hội thanh bình cường thịnh của nước nhà chắc đã vãn. Chí làm
trai không thể ngồi nhìn vận nước suy vi. Các con ra đi là phải; anh cả
không đi cũng là phải. Cái vòng nguy họa này của nước ta sẽ kéo dài suốt
một hội (60 năm). Ngày càng mờ mịt, rắm rối. Cho nên ta khuyên các con
lấy đại nghĩa mà giữ mình; vạn bất đắc dĩ thân không còn nhưng danh cũng
không bị vùi chôn trong nhơ nhuốc. Còn như lấy tư kỷ để giữ mình thời
thân tuy còn nhưng danh đã nát mục.
Hai người con cùng quỳ xuống lễ cụ đồ bốn lễ. Ý tứ như đây là một
cuộc vĩnh biệt. Lại ý tứ như xin cụ đồ tha cho tội bất hiếu. Những lễ sống
này là ngụ ý thay cho khi cụ đồ mất mà các anh không có nhà, hoặc giả các
anh đã vong mạng trước khi cụ đồ khuất núi.
Lễ cha xong, hai người lại quay về phía am của anh cả Thuần lạy hai
lạy. Bái cha rồi hai anh em khoác tay nải lên vai, mỗi người đi về một
hướng.
Cụ đồ vừa quay vào nhà cũng là lúc gà gáy sang canh.