nhún mình thờ kẻ sĩ, may ra mới tụ hội được anh tài. Xưa, đức Hưng Đạo
đại vương đã nhìn trong đám dân binh tạp nham lựa được Phạm Ngũ Lão.
Sau, Ngũ Lão trở thành một đại tướng kỳ tài. Đức Anh tông nhìn trong đám
bạch diện thư sinh, thấy được một Đoàn Nhữ Hài. Sau Nhữ Hài trở nên một
bậc tể thần văn võ kiêm thông, lược thao xuất chúng.
Thế nước đang cường thịnh, đức Nhân tông chủ động cầu hòa với
Chiêm Thành là nước yếu ở phương nam, lại đem công chúa Huyền Trân gả
cho vua nước ấy là Chế Mân. Gương sáng của tổ phụ ta nhiều lắm, soi vào
đấy mà học hỏi. Chẳng phải bận tâm quá đỗi vào việc vọng ngoại. Đành
rằng việc học ngoài cũng là việc không thể bỏ.- Chu An lại dằn lời, như ông
muốn kết lại trong tâm khảm nhà vua đôi lời tâm phúc - Xin bệ hạ hết sức
lưu tâm: Những người hiền tài phải được xem là tài sản quý báu của nước,
là linh hồn của nước. Các chính sách như "Phú quốc cường binh" hoặc
"Hưng Đạo binh pháp" đâu có thể sản sinh ra từ tay chân, cơ bắp. Thời
Trùng hưng, ta đánh giặc dữ Mông-Thát đâu phải chỉ có sức mạnh quân
binh, mà ta còn đánh bằng cả nền văn hóa của chúng ta nữa chứ. Tức như ta
thắng giặc bằng trí tuệ hơn là bằng sức quân. Quân ta so với quân Mông-
Thát, khác nào trứng so với đá. Bởi chưng, nếu bệ hạ xem dân như là tay
chân của mình, thì phải xem kẻ sĩ như là óc não của mình vậy. Họ chính là
nguyên khí của nước. Nước có đạo thì quy tụ được kẻ sĩ, nước vô đạo thì kẻ
sĩ tản mác, ẩn lánh. Khi kẻ sĩ đã tản mác, ẩn lánh, thì bên cạnh nhà vua chỉ
thuần một lũ sâu mọt.
Nghệ hoàng mới cầm quyền binh được ít bữa, lại giữa lúc thế nước
đang suy, nhà vua không thể không lo lắng. Nay được đàm đạo với bậc
quốc sĩ lỗi lạc như Chu An, khiến nhà vua cảm như mình vừa được khai thị.
Trong thâm tâm, Nghệ tông không ao ước gì hơn là lưu giữ được bậc quốc
lão này tại triều, để ông vấn kế trong tiến trình hưng thế nước. Nhưng trong
mấy ngày qua, ông đã ngỏ ý đôi ba lần; lần nào cũng bị tiên sinh khéo léo
khước từ. Nghệ hoàng nhớ, xưa đức Thái hoàng thái hậu đã từng khuyên
Dụ tông sau khi hối, cũng nhiều lần mời Chu An về lại triều, nhưng cũng bị
ông từ chối. Đức Hiển từ răn bảo Dụ tông: “Người tiết tháo, phách lực,