- Chẳng hay bản chức có điều chi khiến công tử phải vất vả lặn lội tới
sơn ấp?- Vừa nói, Nguyên Đán vừa nâng chén rượu đưa mời Hán Anh.
Hán Anh vội vàng đón lấy, hai tay nâng chén rượu lên ngang mày,
chàng đáp:
- Bẩm đại nhân, ở Thăng Long đến đứa trẻ lên ba tuổi cũng biết tiếng
đại nhân, huống chi là kẻ tiểu sinh này. Hâm mộ danh tiếng đại nhân, tiểu
sinh đã đôi ba lần xin với phụ thân để được vào hầu đại nhân, nhưng phụ
thân tiểu sinh chê kiến thức của tiểu sinh còn nông cạn, chưa xứng đáng để
ra mắt đại nhân.
Với dáng vẻ độ lượng, quốc thượng hầu mỉm cười đáp:
- Đúng là ta cùng công tử có duyên với nhau, nên có thể nói: nhất kiến
vi cựu, xin mời công tử cạn chén.
( Nhất kiến vi cựu: Nghĩa là lần đầu gặp mặt nhưng tình như đã quen
biết từ xưa).
Nguyên Đán nói xong, lấy tay che miệng uống một hơi. Nhìn vị đại
quan đã dằn chiếc chén xuống kỷ, Hán Anh mới nâng chén rượu Nguyên
Đán đưa mời, công tử nói:
- "Kính vương", rồi cũng che tay trước miệng uống một hơi, và thong
thả đặt chén xuống.
Rượu được vài tuần, chủ khách đã có cái vị cảm mến nhau, Nguyên Đán
mới gạn hỏi:
- Ta lấy bụng thực đãi người, nên muốn hỏi thẳng công tử mà không sợ
mất lòng, chẳng hay thiên hướng của công tử hiện nay thế nào?
- Đại nhân đã hỏi, tiểu sinh thực không dám quanh co. Cái mộng của lũ
tiểu sinh, nếu ở vào thời thịnh thì đem sức ra học, để thi thố trên trường văn
để so tài cao thấp, quyết ghi tên bảng vàng rồi ra giúp vua lo việc nước. Nếu
chẳng may sinh vào thời loạn, thì đem sức của mình cùng muôn dân giữ
nước. Nay tiểu sinh ở vào cái thời không hẳn là yên trị, cũng không hẳn là
tao loạn, nên tiểu sinh không mưu cầu công danh nơi trường ốc, cũng không
gửi chí vào chốn quân doanh; mà chỉ xin được nương náu dưới bóng của
các bậc hiền lương.
Nguyên Đán cười khanh khách: