lèo lái con thuyền quốc gia vụng tay chèo chống là thuyền lật, nước loạn.
Hai chú cháu bịn rịn chia tay nhau, lòng nặng trĩu. Trên đường về Quảng
Oai, Trần Nguyên Đán nghĩ kế nói thế nào cho lọt tai Nghệ hoàng, về
những điều mà ông và tư đồ Thúc Ngạc cùng tâm đắc.
Lại nói về mấy người con của cụ đồ Nguyễn Quang Tuấn ở phía tây
kinh thành, giã nhà ra đi từ độ Nhật Lễ còn đang tiếm ngôi. Dạo ấy, như ta
đã biết, Nguyễn Quang Thuần - người con trai cả của cụ đồ, quyết chí tu
đạo, không vương thế tục. Còn Nguyễn Trọng Mẫn xin với cha đi theo tả
tướng quốc Cung định vương Phủ. Chàng lặn ngòi ngoi nước lên đến tận
phủ Gia Hưng, trấn Đà Giang xin theo hầu. Tướng công sau khi hỏi lai lịch,
biết Mẫn là con nhà dòng dõi thi thư. Xét kỹ càng, Trọng Mẫn tuy chưa qua
khoa bảng đỗ đạt, song kiến văn cũng như võ nghệ đều tỏ rõ hơn người,
tướng quốc bèn thu nhận và cho nhập vào vệ dực đô. Khi về lại Thăng
Long, giết được Nhật Lễ, chủ của Trọng Mẫn là đức Nghệ tông hoàng đế.
Nhờ có công, Trọng Mẫn được vua cho trông coi quân thánh dực. Kíp đến
khi khen thưởng, cất nhắc, Mẫn thấy nhà vua cho nội hầu Nguyễn Nhiên là
người dốt nát làm chánh chưởng khu mật viện, sau lại thăng đến hành khiển
ty. Còn tôn thất Trần Nhân Vinh dấy binh dẹp Nhật Lễ cùng với thái tể
Nguyên Trác, việc không thành bị Lễ chém đầu mà không thấy Nghệ hoàng
tôn vinh. Chỉ hai sự việc ấy, Trọng Mẫn cho rằng nhà vua vì tư tình hơn là
vì nước, chàng bèn từ quan về nhà làm ruộng, nuôi cha.
Cụ đồ Nguyễn Quang Tuấn thấy con về thì vui lắm. Cụ không hề gạn
hỏi con cớ, mà lặng lẽ sửa đồ cúng gia tiên. Trong lời khấn, cụ bầy tỏ lòng
biết ơn tổ phụ, đã độ trì cho Trọng Mẫn còn sống trở về mà vẫn giữ được
cái tâm ngay thẳng.
Trở lại với ruộng đồng, với cỏ cây vườn tược quê hương, Trọng Mẫn
thấy lòng thư thái, dường như chàng quên hẳn quãng thời gian gió bụi
trường chinh mà chàng đã dấn thân.
Cũng ngày ra đi ấy, Trọng Mẫn ngược Đà Giang thì Hán Anh, người
con út của cụ đồ lại xuôi về thái ấp của quan chương túc quốc thượng hầu
Trần Nguyên Đán ở Chí Linh.