Ông đưa cho đại tướng La Ngai xem cặp ngọc mà Lưu Nương Tú biếu tặng.
Ông cũng nói cho La Ngai biết về lai lịch cặp ngọc, và chính Indra
Vatakhamalapatura đã định biển thủ cặp ngọc quý này.
La Ngai đưa trả lại đôi ngọc cho Chế Bồng Nga và nói:
- Tâu bệ hạ, thần nghe nói, những loại ngọc này thường hấp được tà khí
của các loài yêu quái, nên nó kết thành tinh. Người giữ ngọc này chẳng
khác nào giữ lấy sự bất an làm món đồ gia bảo. Bệ hạ chẳng thấy vì đôi
ngọc này Ba-tư mất nước. Cũng vì đôi ngọc này Thoát-hoan suýt mất mạng.
Vì thế các vua nhà Trần coi nó như một thứ đồ bỏ. Vương Dục trộm ngọc
này nên chết yểu. Nhật Lễ có ngọc này nên mất mạng. Indra
Vatakhamalapatura định chiếm ngọc này nên mất đầu, sản nghiệp bị tịch thu
hết sạch. Muôn tâu, kẻ dâng ngọc cho bệ hạ, chính là y muốn hại bệ hạ. Xin
bệ hạ trước hết hãy chém người dâng ngọc, rồi sau đem giam ngọc này vào
cửu ngục.
Chế Bồng Nga không hề đổi sắc mặt, nhà vua ngửa mặt cười sằng sặc;
đoạn ông nói:
- Quả thực ông là chân tay của ta, là gan ruột của ta, nên ông lo cho ta
nhiều quá. Ông phải biết, những viên ngọc quý kia, có tội tình gì mà phải
giam nó vào cửu ngục. Vả lại những kẻ chết vì ngọc quý, là chết bởi lòng
tham. Còn ta, nhờ có đức lớn mà ngọc quý tự tìm đến. Phương ngôn nói:
"quý vật tầm quý nhân". Vậy là trời cho ta, chớ có phải ta tham lam chiếm
đoạt của ai đâu mà sợ.
La Ngai đuối lý. Viên đại tướng cũng không đến nỗi dốt nát gì mà
không hiểu điều đơn giản: Lý lẽ bao giờ cũng thuộc về người nắm giữ
quyền tối thượng. Ông ta ngồi thu mình lại như một người biết ân hận.
Chế Bồng Nga lại hỏi:
- Khanh có biết ta triệu khanh vào chầu có việc gì không?
Liếc nhanh ánh mắt của nhà vua, La Ngai tâu:
- Vương thượng sắp sai thần sang đánh Đại Việt.
Chế Bồng Nga cười ngất:
- Ông mới đúng là một con sư tử đã thành tinh. Làm sao ông đoán được
ý ta?