đó không những chỉ có quan lại, mà ngay cả người tôn thất, các nhà cao
sang vọng tộc các nhà phú hộ cũng đều oán vọng nhà vua. Kế của Nguyên
Đán nếu được dùng sẽ làm cho bộ máy triều đình yếu đi, và chỉ có lợi cho
đám nông nô lười biếng, đám nông dân khố rách áo ôm tha hồ mà phè
phỡn"…
Có lần Nghệ hoàng bất chợt hỏi Quý Ly:
- Ta xem nhiều điều trong các biểu chương của Nguyên Đán tâu về, từa
tựa các điều trong "Phú quốc cường binh sách" của đức Hưng Đạo đại
vương thời Thiệu bảo, thời Trùng hưng. Vậy sao thời ấy Nhân tông làm
được, còn thời nay khanh lại khuyên ta không nên làm?
- Muôn tâu thượng hoàng, cái lý không làm được nó nằm sờ sờ trước ta;
bởi thời đó là thời chiến. Thời chiến thì việc quan yếu nhất phải lo là việc
binh, nên không thể không làm như thế. Còn thời nay là thời bình. Đức lớn
của thượng hoàng trải khắp bốn phương, từ đứa trẻ lên ba tuổi đến người
già trăm tuổi, thẩy đều được ơn mưa móc. Đã thế, sao còn phải làm các điều
khiên cưỡng kia, để cho thiên hạ nản lòng.
Nghệ hoàng nhiều phen phân tâm. Một bên thì Nguyên Đán, vương
Ngạc thúc nên làm; một bên thì Nguyễn Nhiên, Lê Quý Ly, Đỗ Tử Bình
khuyên không nên làm.
Suốt đêm trằn trọc, sớm dậy Nghệ hoàng cho triệu quan tư đồ Trần
Nguyên Đán vào cung.
Trần Nguyên Đán vào thẳng cung Thánh Từ, thấy Nghệ hoàng đang an
tọa trên chiếc sập thếp vàng, nơi nhà vua thường uống trà. Thượng hoàng
có thói quen tao nhã, mỗi sớm người thường dùng trà trước bữa điểm tâm.
Quan tư đồ sụp lạy. Nghệ hoàng vội nâng Nguyên Đán dậy và trách yêu:
- Tình anh em, sao tư đồ thủ lễ một cách thái quá, khiến ta khó xử. Từ
nay lễ vua tôi chỉ dùng khi thiết triều, chú nhớ nhé? Nhà vua nói xong cười
hì hì, dắt tay Nguyên Đán vào kỷ ngồi.
Nguyên Đán từ chối hai ba lần không được, đành phải ngồi mím ra mép
kỷ.
Nghệ hoàng cầm cây dùi ngà to bằng ngón tay, gõ nhẹ một tiếng vào lợi
cái chuông đồng đen, to bằng chiếc gáo dừa treo trên thanh giá nhỏ xinh đặt