( Trần Bình Trọng dòng dõi Lê Đại Hành, thời Trần Nhân tông có công
dẹp giặc Thát năm Ất dậu (1285) được ban quốc tính (đổi theo họ vua).
Bình Trọng quê gốc Hà Lang (sau đổi Hà Lương) nay thuộc huyện Vĩnh
Lộc, Thanh Hóa. Đời Trần được phong thực ấp ở làng Nhuế Dương lộ Hải
Đông, nay thuộc huyện Kim Động, Hưng Yên. Gia đình ông dời về đấy ở.
Trần Khát Chân là cháu bốn đời Trần Bình Trọng, ông được sinh ra và lớn
lên tại đây).
Đức Bình Trọng chính là cao tổ của Khát Chân. Dòng dõi mấy đời làm
thượng tướng. Khát Chân tuy còn nhỏ, song vẫn có chí lập công với đời.
Năm nay Khát Chân mới 15 tuổi. Nhưng cứ mỗi lần nghe quân Chiêm
Thành ngang nhiên vào ra đất kinh sư, là lòng cậu lại sôi lên. Đã nhiều lần
Khát Chân xin với mẹ lập đội tinh binh, để lớn lên dùng vào việc nước. Phu
nhân thương con, song bà không thể chiều theo ý con. Bà thường nghĩ:
"Binh là việc hiểm, trẻ con không nên biết".
Đức ông sớm khuất, bà trông nom thái ấp và nuôi dạy các con. Công
việc thật là quá sức đối với phu nhân. Song trước hiện tình đất nước rối ren,
giặc ngoài lại luôn quấy nhiễu, mà Khát Chân ngày đêm năn nỉ, khiến bà
cũng mủi lòng. Phu nhân nghiêm giọng nói:
- Con còn quá nhỏ chưa thể cáng đáng được việc quân.
- Trình mẹ, con có nói con xin đi đầu quân đâu. Con chỉ xin mẹ cho lập
đội tinh binh trong phủ, để hàng ngày con được luyện tập cho quen. Lỡ mai
đây triều đình sai khiến, con không còn bỡ ngỡ.
- Thôi được! Phu nhân gật đầu. Ta bằng lòng cho con lập đội tinh binh,
nhưng phải đợi sang xuân, khi con vào tuổi 16 đã. Chí ít cũng phải vào tuổi
của đức Hoài Văn hầu (Trần Quốc Toản) khi đi dự đại hội Bình Than đã
chứ.
- Thưa mẹ, con xin lĩnh ý.
Trần Khát Chân vui mừng khôn xiết. Chàng tự nhủ: "Chỉ còn hai tháng
nữa là sang xuân. Và thế là ta đã vào tuổi 16. Ta sẽ có đội tinh binh, sẽ tha
hồ mà tập luyện". Còn bây giờ, chàng xin với vị gia tướng dạy cho chàng
những thế võ dùng trong quân thủy và cả cách đánh quân thủy nữa. Chắc