rồi sẽ phải học cả đánh bộ, đánh ngựa. Nhưng Khát Chân vẫn yêu thích hải
binh hơn. Vì đó là nghiệp nhà. Từ đức cao tổ xưa đã giỏi nghề đánh thủy.
Lê Bá Lượng vốn là gia tướng của thân phụ chàng. Ông là một người
theo nghiệp võ, nhưng văn tài cũng vào loại xuất chúng. Ông thường
khuyên Khát Chân:
- Người làm tướng, không được trọng võ khinh văn. Tiểu chủ còn trẻ
nên.trau dồi văn chất để rèn cho cái đức được tinh thuần. Muốn thông
nghiệp võ, phải thạo nghiệp văn. Nếu tướng chỉ chăm biết việc đánh thành,
diệt viện mà không thông tỏ nghiệp văn, đó là loại thiên lôi chỉ đâu đánh
đấy; dù suốt đời ở trong quân ngũ vẫn không có sự nghiệp. Hoặc giả thân
làm tướng mà chỉ thạo văn, dốt võ, ấy là loại tướng đánh giặc bằng mồm.
Khát Chân tuy còn nhỏ tuổi nhưng có cái tâm hướng thiện, nên bao giờ
chàng cũng coi trọng lời huấn giáo của các bậc cao niên. Hơn thế, vị gia
tướng này là người chàng hằng ngưỡng mộ. Bởi vậy những lời ông nói,
chàng luôn ghi lòng tạc dạ. Đoạn chàng hỏi:
- Người làm tướng cần những đức tính gì thưa ông?
Nghe chàng hỏi, Lê Bá Lượng hơi sửng sốt. Ông không ngờ tiểu chủ
của ông đã sớm tỏ ra người có trí lực. Cười nheo cả hai mắt, nhìn cậu chủ
với vẻ tự hào, ông đáp:
- Thưa tiểu chủ, đức của người làm tướng phải hội đủ ba điều: NHÂN-
TRÍ-DŨNG.
- Thưa, liệu có thể thiếu được điều nào trong ba điều ấy không?
- Không! Thưa tiểu chủ không thể thiếu được điều nào cả.
- Vì sao vậy?
- Vì rằng, người làm tướng không có đức NHÂN sẽ là kẻ uống máu
không tanh, coi máu xương sĩ tốt như bùn, coi mạng sống con người không
bằng con vật. Tướng ấy không bị quân thù giết cũng bị kẻ dưới quyền ám
hại.
Còn có NHÂN có DŨNG mà không có TRÍ ư? Đó là loại ngu tướng;
loại tướng này hễ ra quân là thủ bại.
Có NHÂN có TRÍ mà không có DŨNG thì sao? Đấy là loại tướng hèn.