- Thưa, các bậc tướng nước nhà hiện nay thuộc loại nào, mà để cho
quân Chiêm Thành vào ra đất Kinh sư dễ dàng làm vậy? Tôi chắc họ phải
hội đủ ba đức lớn như ông nói, thì triều đình mới trao quyền làm tướng cho
họ chứ?
Câu hỏi rất hồn nhiên của tiểu chủ, song Lê Bá Lượng không biết phân
giải thế nào cho Trần Khát Chân hiểu được, mà không mắc tội bất kính với
các bậc nguyên nhung. Thật tình Lê Bá Lượng cho rằng, các hàng tướng
lĩnh đương triều, có quá nhiều đức tính mà người làm tướng không cần có;
và họ thiếu tất cả những đức tính người làm tướng cần phải có. Bởi vậy đất
nước mới rơi vào thảm cảnh, như một ngôi nhà không có tường chắn mái
che. Do đó, quân Chiêm Thành mới ra vào Thăng Long như vào cho không
người. Sực nhớ, chưa trả lời tiểu chủ, Lê Bá Lượng dẫn dụ một cách mơ hồ.
- Tiểu chủ à, việc này đem soi vào các bậc trụ cột của triều đình khó
lắm. Coi chừng, tai hoạ đấy. Khi nào tiểu chủ cầm quân khắc tự kiến giải
được.
Trần Khát Chân không cho điều vị gia tướng nói là phải. Song cậu cũng
lờ mờ nhận thấy có điều gì mà ông ta không tiện nói.
Một lát, Trần Khát Chân lại hỏi:
- Bữa trước, ông có cho tôi đọc cuốn: "Vạn Kiếp tông bí truyền thư" của
đức ông Hưng Đạo đại vương, và cả cuốn "Tôn Tử binh pháp". Ông lại dặn
thu nhận được điều gì trong hai cuốn đại binh thư ấy thì nói cho ông hay.
Vậy, hôm nay tôi đã nói được chưa?
Vị gia tướng mặt mày rạng rỡ, nhìn vào đôi mắt sáng như hai vì sao lấp
lánh của Trần Khát Chân, ông giục, giọng đầy phấn khích:
- Tiểu chủ nói đi. Tôi không mong gì hơn thế nữa.
- Trước hết về cuốn của Tôn Tử, tôi đọc say mê lắm. Đọc xong, tôi thấy
thích thú vô cùng. Dường như các điều cần thiết cho đời người làm tướng,
Tôn tiên sinh đều có dạy cả. Tôi đọc tiếp lần thứ hai rất thong thả, vừa đọc
vừa suy ngẫm mong thâu nhận được nhiều hơn. Gấp sách lại suy nghĩ, tôi
không còn thích nữa.
- Vì sao vậy, tiểu chủ? Tướng giỏi các đời xưa nay, không ai không học
qua sách ấy.