- Nước có vững hay không chỉ nhìn vào sĩ tốt là đủ biết. Tình thế đến
nước này quốc sư bảo ta phải làm gì?
Quốc sư băn khoăn một lát rồi đáp:
- Lão tăng thân khô tâm lạnh, xuất gia xả tục, suốt đời không mưu lợi
lộc cho riêng mình, mà chỉ cầu tìm sự giải thoát cho chúng sinh. Nay thế
nước yếu suy, lòng dân ly tán, sao bệ hạ không xét lại các chính lệnh của
triều đình xem có điều gì khắc bạc không. Bệ hạ nên nhớ nhân nào thì quả
ấy. Người dân không vô cớ bỏ cửa bỏ nhà, bỏ quê hương bản quán ra đi.
Người lính cũng vậy, một khi họ đã bỏ cơ ngũ ra đi, hẳn là trong cơ ngũ
đang có điều gì không ổn. Ngay kiến là một loài sinh vật nhỏ bé chúng còn
biết yêu cái tổ của nó, huống chi con người.
Nay nhà vua hỏi bần tăng xem nhà vua phải làm gì. Sao nhà vua không
tự hỏi mình xem đã làm được những điều gì ích dân lợi nước. Còn những
điều gì không hợp với lòng dân thì phải cấp kỳ tu chính lại đi. Bần tăng là
người tu Phật, nên chỉ biết nói theo các yếu ước của kinh bổn do đức Phật
răn dạy mà thôi.
- Đại khái như thế nào, quốc sư nói thử ta nghe.
- Phật dạy rằng ngay cả Phật cũng không thể làm thay chúng sinh, mà
Phật chỉ chỉ cho chúng sinh thấy con đường giải thoát. Rồi mỗi người phải
tự giải thoát cho mình. Vậy là phải dựa vào nội lực chứ không thể dựa vào
tha lực. Từ đấy suy ra, ta thấy con đường giải thoát cho nước.
Nghệ hoàng chăm chú nhìn vào gương mặt khô lạnh của quốc sư Đại
Than, vẻ như đại sư sắp ngừng lời, nhà vua như người mộng du chợt tỉnh,
ngài nói:
- Ta nghe quốc sư nói thuần những điều đạo lý cao xa, mà ta thì đang
cần có lính.
- Phải chăng ý nhà vua muốn nói thu bớt độ điệp thải hồi tăng chúng.
Rồi ai không có độ điệp phải tức thời hoàn tục. Lại xét trong đám ấy ai còn
trong tuổi tráng niên đều phải xung quân.
( Thời Lý - Trần nhà nước cấp giấy phép cho những người tu hành gọi
là độ điệp. Người nào có độ điệp không phải đóng thuế, đi phu, đi lính. Ai
không có độ điệp không được ở chùa).