nhảm nhí. Vì rằng Tử Bình không phải là người có công với đạo học nước
nhà, lại thêm nhân cách bỉ ổi, bởi chưng sự nghiệp của ông ta chỉ cốt ở lợi
mình hại dân, dối vua hại nước. Hóa nên bàn thờ ông ta tại Văn miếu không
có bài vị và bát hương. Thật ra không phải không có, mà cứ hễ thủ từ hoặc
người nhà thấy thiếu, thấy mất lại cho bù vào thì chỉ loáng cái, mắt trước
mắt sau chưa kịp nhìn đã biến mất. Mãi thế rồi chẳng ai thiết nữa, thành thử
nơi thờ Tử Bình chỉ là một ô trống hoang lạnh.
Đỗ Tử Bình chết, khuyết hẳn một tướng lưu trấn mặt nam. Nghệ hoàng
bèn cất nhắc Lê Quý Ly. Vì vậy Quý Ly được lãnh chức Nguyên nhung
hành Hải tây đô thống chế. Có nghĩa là thống suất toàn bộ quân thủy bộ,
đặc trấn mặt biển phía tây nam đất nước, tức là từ Thanh Hóa đến Châu
Hóa.
Nghệ hoàng từ khi cho chuyển tiền sang chôn cất bên Kinh Bắc và Lạng
Giang lại sai xây cất cung thất ở tạm bên đó lỡ giặc vào kinh sư còn có chỗ
lánh ẩn đàng hoàng.
Chợt tin bay về triều đình như sét đánh. Quân Chiêm Thành do Chế
Bồng Nga đốc suất hai mặt thủy bộ sắp tiến vào kinh sư. Kinh sư từ khi
Nguyễn Đa Phương được cất nhắc đã thay đổi hẳn bộ mặt phòng thủ.
Tướng quân cho rào dậu nhiều vòng chắc chắn từ la thành đến cấm thành và
tử cấm thành, những hàng tre dầy, mũi nhọn chĩa lên trời tua tủa, như hàng
triệu mũi mác sẵn sàng chọc thủng bụng kẻ nào dám liều lĩnh vượt qua. Nếu
lên cao nhìn toàn bộ công trình phòng thủ Thăng Long của Quý Ly và Đa
Phương, thì khu vực cung điện chẳng khác gì một cái cũi ba lớp. Ấy vậy mà
khi có tin Chế Bồng Nga sắp đến, thượng hoàng Nghệ tông vội sai cấm
quân rước ngài qua sông Cái để sang Đông Ngàn lánh giặc.
Nhìn cảnh vua tôi ngự trên hàng đoàn thuyền chạy trốn giặc, đám nho
sinh cảm thấy như đất nước đang bị xúc phạm, bèn kéo nhau xuống bến đò
xin nhà vua ở lại. Cầm đầu đám ấy là Bùi Mộng Hoa. Mộng Hoa để nguyên
mũ áo nhảy ào xuống nước cùng hàng chục người khác nắm giữ mạn
thuyền, xin nhà vua ở lại cùng quân dân đánh giặc. Nghệ hoàng không
nghe. Đám cấm quân tay đao vung lên chỉ chờ có lệnh sẽ róc hàng loạt các
bàn tay bám kéo thuyền vua.