đã xoay chuyển được tình thế, biến nguy thành an. Sau khi rút quân an toàn,
bèn lập lại phòng tuyến ngăn giặc, khiến chúng không dám tiến sâu vào đất
ta nữa. Tin ấy bay khắp Thăng Long, Quý Ly có vẻ thẹn, liền xin giải quyền
cầm quân.
Thấy vậy, Nguyễn Đa Phương càng lên mặt, chê Quý Ly là bất tài, chưa
giáp mặt quân thù đã tháo chạy.
Đa Phương hỗn hào không nể mặt; Quý Ly cũng không nghĩ đến tình
huynh nghĩa đệ nữa, ông quyết loại bỏ Đa Phương cấp kỳ.
Lấy tư cách là tri khu mật viện sự, Quý Ly xin yết kiến Nghệ tông để
cáo giác Đa Phương.
Nghệ hoàng hỏi lại:
- Ta tưởng Đa Phương là nghĩa đệ của khanh, có gì thì che chở cho y,
chớ sao lại cáo giác.
Quý Ly sụp lạy:
- Đội ơn hoàng thượng gia ân, thẩn không thể đặt việc nhà trên việc
nước. Thà thần mang tiếng bất nghĩa còn hơn mang tội bất trung.
Thượng hoàng vỗ về khen mãi không thôi:
- Nếu những người ở các cương vị then máy quốc gia đều có bụng thờ
vua như khanh, thì nước lo gì không mạnh. Giặc nào còn dám dòm ngó núi
sông ta. Vậy chớ Đa Phương có tội gì khanh nói ta nghe.
Vì đã sắp sẵn mưu mẹo ở trong đầu, Quý Ly vừa nói vừa rưng rưng lệ:
- Muôn tâu, tội thần là ở chỗ nể nang nghe kế của Đa Phương, nên quân
ta mới từ thế thắng chuyển qua thế thua. Thần cũng đã vì tình anh em mà ẩn
nhẫn nhận lỗi về phần mình. Không ngờ Đa Phương kiêu ngạo, hỗn hào,
không còn coi ai ra gì nữa. Nếu không trách phạt răn đe, mầm loạn sẽ nảy
khắp trong quân. Xin bệ hạ trước hết trị tội thần vì đã không nghiêm. Sau
đó xin bệ hạ trị kẻ làm tướng không lường được mưu giặc, lại vì kiêu căng
tự phụ suýt nguy cho xã tắc.
- Khanh không có tội gì cả. Nghệ tông nói. Người đứng đầu không phải
lúc nào cũng gạt ra ngoài tất cả các kế sách của thuộc hạ. Tội là ở lũ thuộc
hạ đã dâng kế hèn để khanh phải vất vả suýt nguy đến tính mạng. Theo ta,
nên trị tội nhẹ Đa Phương để răn đe.