thì ta còn sống sao được nữa .
Trần Khát Chân xúc động rỏ nước mắt lạy:
- Thần tuy còn trẻ, chưa trải trận mạc, nhưng thần chịu ơn sâu dầy của
thượng hoàng, lại được hấp thụ dòng máu của tổ phụ, cùng khí hạo nhiên
sông núi từ thời Trùng hưng. Thần xin ghi lòng tạc dạ lời dạy của thượng
hoàng rằng: "Chế Bồng Nga là một tướng lão luyện, quỉ quái", để không
bao giờ lơi lỏng sự phòng bị. Nhưng thần xin hứa trước bệ rồng, nếu không
đánh tan được giặc Chiêm, lấy đầu Chế Bồng Nga về dâng trước trướng
thời thần không bao giờ dám ra mắt bệ hạ nữa.
Nghệ tông nước mắt giàn giụa, tay già run run tháo chiếc đai ngọc ban
cho Trần Khát Chân.
Trần Khát Chân lùi ba bước quì xuống, hai tay nâng chiếc đai ngọc đặt
vào long án.
- Bệ hạ ban, thần xin nhận. Mong bệ hạ gia ân cho thần lưu gửi tại đây,
bao giờ lấy được đầu Chế Bồng Nga đem về dâng nơi cửa khuyết, xong
thần mới dám nhận lại đai ngọc này.
Trần Khát Chân vừa bái vừa lui. Nghệ tông xúc động không đứng lên
được, ngài tiễn vị tiểu tướng quân bằng ánh mắt nồng ấm, đẫm lệ.
Trần Khát Chân đốc suất quân Long tiệp, hợp sức cùng tướng quân
Hoàng Phụng Thế coi quân Tả thánh dực. Chu sự xuất quân từ bến Đông-
bộ-đầu, xuôi nước đến mờ tối hôm sau thì gặp giặc ở Hoàng Giang. Thấy
đây là khúc sông hẹp không thể bầy trận, lại chưa có quân kỵ mai phục
trước trên bờ, nếu có khai chiến thì trận thế cũng nhì nhằng khó thắng. Khát
Chân tự hẹn với mình: "Đã đánh là phải thủ thắng, để lấy khí thế cho quân".
Nghĩ vậy, tướng quân bèn lấy hậu quân làm tiền quân, còn tiền quân thì
đoạn hậu lui về giữ tại cửa sông Hải triều.
(Hải triều đây là chỗ gặp gỡ giữa sông Luộc với sông Hồng, giáp giới
ba tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định).
Quân Chiêm tuy phát hiện ra quân Đại Việt, nhưng vì trời sẩm tối, lòng
sông hẹp, hai bên bờ dốc, cây cối rậm rạp, nghi có quân phục nên Chế Bồng
Nga cho dừng đoàn chiến thuyền lại. Quân Chiêm chẹn giữ hai đầu trên
dưới khúc sông trải dài gần hai chục dặm. Và đổ quân lên bờ hạ trại.