Quý Ly rập đầu tâu:
- Thánh thượng anh minh soi xét. Đa Phương là đứa có sức khỏe hơn
người, lại võ nghệ cao cường, nếu chỉ trách phạt để răn đe, thần sợ nó sẽ
trốn sang người Minh hoặc chạy sang Chiêm Thành, như vậy có khác gì
thả hổ vào rừng để gây mối họa về sau, chi bằng giết quách đi.
Vua nghe theo Quý Ly, bắt giam Đa Phương rồi ban cho ông một dải
lụa.
Cầm dải lụa trong tay, Đa Phương than thở:
"Ta vì tài mà được quí trọng, lại cũng vì tài mà chết. Chỉ tiếc thân nam
nhi không được chết nơi chiến trận mà phải chết vào tay kẻ phản bạn" . Nói
rồi buộc dải lụa lên xà nhà tự vẫn.
Nghe tin Nguyễn Đa Phương là một tướng giỏi bị vua Trần giết, Chế
Bồng Nga mừng lắm, sai La Ngai gấp gáp sắp sửa binh thuyền tiến đánh
Đại Việt.
Mùa đông, quân Chiêm Thành rầm rập tiến vào cửa bể Đại An.
Được tin, vua truyền Trần Khát Chân vào bệ kiến.
Lại nói Trần Khát Chân đúng năm 18 tuổi xin đem cả gia binh đi đầu
quân. Đó là một sự lạ, Nghệ hoàng đã gặp và khích lệ, lại cho coi quân
Long tiệp.
Không phụ lòng vua, Trần Khát Chân ra sức luyện rèn. Các tướng lão
luyện đều khen: "Khát Chân tỏ lộ một tài năng siêu việt!"
Thấy Trần Khát Chân vào, Nghệ hoàng bèn vẫy lại bên long án, tay ngài
nắm lấy tay Khát Chân, nói:
- Thế nước suy, giặc Chiêm khinh nhờn. Các tướng đã ra quân, nhiều
phen đều bị Chế Bồng Nga đánh bại. Nay ta xem cháu, tuy là tướng trẻ,
nhưng ai cũng khen cháu có chí lớn. Thật là hổ phụ sinh hổ tử. Giặc đã vào
cõi, ta ủy thác cháu đem quân chặn giặc. Triều đình trông cậy nơi cháu. Ta
chỉ ngại có một điều.
Trần Khát Chân quì lạy:
- Xin thượng hoàng cho thần nghe điều quan ngại ấy.
- Ta chắc cháu, dũng ắt có thừa, nhưng chưa trải qua chiến trận, mà Chế
Bồng Nga lại là một tay lão luyện quỉ quyệt; ngộ nhỡ xảy ra điều gì sơ xuất