cánh lo âu. Và đã có lần ông suýt mất mạng về tay con người này. Lập tức
Quý Ly sai các võ sĩ tâm phúc ruổi theo vương Ngạc. Và ông có mật lệnh
cho các đô phòng đoàn phải trừ khử Ngạc mà không cần xét hỏi kẻ lạ mặt
tới trấn, lộ mình là ai.
Khi biết chắc chắn là vương Ngạc đã bị giết chết, Quý Ly bèn đem việc
Ngạc bỏ trốn tâu lại với thượng hoàng Nghệ tông. Với vẻ mặt đau khổ, lại
nhểu ra mấy giọt nước mắt, Quý Ly tỏ bầy mọi nhẽ. Trước hết ông băn
khoăn không hiểu vì sao tướng quốc lại nghĩ quẩn. Và không biết tướng
quốc đi đâu, chỉ sợ ông lại bỏ sang nước Minh, rồi rước quân Minh vào thì
thật là đại họa cho nước.
Nghệ tông chưa kịp đau nỗi đau phụ tử, đã lại lo nỗi lo vương Húc và cả
sự họa loạn cho nước. Nhà vua rối trí bèn phán:
- Khanh kíp cho quân đuổi bắt Ngạc về cho ta hỏi tội.
Quý Ly chỉ chờ có thế, nên đã thảo sẵn đạo chiếu truy nã, liền đưa ngay
cho hoàng thượng ký.
Có chiếu truy nã trong tay, Quý Ly sai ngay quân hổ bôn đi cả đường
thủy, đường bộ truy đuổi vương Ngạc. Ấy là cách để che mắt thiên hạ, chứ
thực thì ông đã giết vương Ngạc từ trước khi Nghệ tông thảo chiếu.
Bởi vậy, khi chiếu vua tới châu Vạn Ninh thì Nhân Liệt - tay chân tâm
phúc của Quý Ly đã sai quân đánh chết Ngạc rồi. Thương thay trước khi
chết, vương Ngạc chỉ kịp nói có mỗi một câu: "Thế là phụ vương giết
con!”. Khi về triều, Nhân Liệt tâu với vua rằng người dân Vạn Ninh vì lòng
tức giận đã đánh chết đại vương.
Việc tướng quốc Trang định vương Ngạc bị giết có làm vua buồn.
Nhưng theo Quý Ly thì đó là đại phúc cho bản triều. Nếu thực như vương
có bụng chạy sang đầu nhà Minh, thì đúng là tai họa cho nước. Quý Ly còn
an ủi Nghệ hoàng bằng chuyện "Tái ông thất mã".
Nghệ hoàng từ khi vào tuổi bảy mươi, ngài thường lẫn cẫn. Nói trước
quên sau, khóc đấy cười đấy như con trẻ. Song có lúc ngài lại tỏ ra minh
mẫn, sáng suốt.
Quý Ly biết rất rõ tính nết của hoàng thượng, nên dễ bề đẩy đưa ngài
khuôn theo ý đồ của mình. Vì vậy có nhiều việc khi nghĩ lại biết mình lầm