XXXI
Lại nói chiếu "Cầu lời nói thẳng" của Nghệ tông ban ra khiến kẻ sĩ trong
nước nghi hoặc. Bởi lẽ lúc này Hồ Quý Ly đã thâu tóm quyền hành sai
khiến thiên hạ. Chi phối hai ban văn võ, đã được Nghệ tông ban cho Quý
Ly tám chữ thêu trên lá cờ tiết "Văn võ toàn tài quân thần đông đúc" và một
thanh gươm báu.
Điều đó có nghĩa rằng, từ việc điều động binh nhung, trấn áp phản
nghịch, thăng giáng các bậc đại thần đều thuộc quyền Quý Ly. Lại nữa, ông
có quyền chém trước tâu sau. Vậy thời việc cầu lời nói thẳng của nhà vua
phỏng còn có ích gì.
Nhận chiếu cầu lời nói thẳng trong tay, các đại thần, các danh sĩ đều hết
sức băn khoăn. Thế sự rối nát, kể cả hàng ngàn điều muốn nói, muốn tỏ bầy.
Nhưng nói cho ai nghe? Tỏ bầy cho ai hay?
Hữu ty lang trung, nhập nội Hành khiển trạng nguyên Đào Sư Tích biết
đây là mưu kế của họ Hồ, núp danh hoàng thượng thăm dò kẻ sĩ. Vì vậy hễ
ai đã nhận được chiếu đều phải có hồi âm; nếu không Quý Ly sẽ ghép vào
tội khi quân mà xử.
Nhưng hồi âm như thế nào thì thực là một việc nan giải. Đang lúc rối trí
thì gia nhân vào bẩm, có quan Trung thư thị lang, tri Thẩm hình viện sự,
thám hoa lang Trần Đình Thâm xin được diện kiến. Đào Sư Tích mừng
quýnh, chân không kịp xỏ giầy, chạy ra đón khách.
Trần Đình Thâm mỉm cười. Ông giơ tờ chiếu lên vái Đào Sư Tích.
Sư Tích đáp lễ, rồi dẫn người đồng liệt vào nhà tân khách.
Phân ngôi chủ khách, uống chưa xong một tuần trà, Đào Sư Tích liền
hắng giọng:
- Quan huynh đã có diệu kế gì đối phó lại cái trò ranh mãnh của Quý Ly
chưa? Đệ bí quá.
Trần Đình Thâm phá ra cười, giọng cười của ông giòn khanh khách.
Đoạn ông im bặt, tựa như ông nuốt hết tiếng cười vào trong bụng. Rồi với