Nhưng khi chúa có dịp đi tuần du trong xứ độ hai ba ngày hoặc vào Nam
Hà đánh nhau với chúa Nguyễn thì chúa không bỏ lỡ dịp dắt vua cùng đi,
lấy vua làm vì để muốn hành động gì cũng được, hơn nữa chúa cũng không
muốn nhân khi mình đi vắng vua dự vào cuộc đảo chính hại cho mình hoặc
để cho bọn thoán nghịch cướp được vua rồi nhân danh ngài, đứng lên phản
đối mình và đánh đổ cơ nghiệp nhà mình cũng nên.
Người Đàng Ngoài cho lối ta bắn súng thần để nghênh tiếp các bạn hay
lối ta gặp nhau mà hỏi thăm sức khỏe của nhau (?) là dã man và kỳ lạ, họ
chỉ bắn súng để xua đuổi tà ma thôi.
Tang lễ chúa Trịnh
Tang lễ chúa Trịnh được cử hành long trọng cũng như tang lễ các vua, về
nhiều chi tiết lại còn còn hơn tang lễ vua Lê bấy giờ. Khi chúa băng hà, tân
chúa và các quan trong phủ liêu phải đợi ba bốn ngày rồi mới phát tang. Vì
nếu tin ấy mà bay ra ngoài, thì dân gian và kẻ chợ náo động, sợ hãi vô cùng
vì mỗi lần một chúa qua đời thì anh em và con cháu ngài dấy binh đánh lẫn
nhau để tranh chiếm quyền chính, dân sự vì thế cũng bị hại lây.
Việc thứ nhất của họ là tắm rửa thi hài tiên chúa, mặc cho ngài bảy bộ
quần áo tốt nhất và dâng lễ cúng ngài những thực phẩm bày biện rất huy
hoàng. Tân chúa, các vương thân, công chúa đến trước linh sàng tỏ lòng
thương tiếc, quỳ lễ năm lễ, khóc to, hỏi sao chúa bỏ chúa đi và chúa ước
vọng những gì. Đoạn, các quan ngày thường được tiên chúa trọng đãi vào
lễ, tân chúa đã đứng sẵn đáp lễ nhưng không ai dám nhận. Chỉ có những vị
kể trên là được phép vào chiêm bái thi thể chúa thôi; bà con họ xa với chúa
và người ngoài thì không được.
Lễ xong, thì người ta cậy hàm mà đặt vào miệng chúa những miếng
vàng, bạc hoặc hạt trai nhỏ. Thi hài chúa đem đặt vào trong một chiếc quan
tài to rộng, làm bằng gỗ tốt và gắn một lần sơn dày. Dưới đáy quan tài, họ
rắc rất nhiều phấn gạo để phòng uế khí và rải nhiều nệm, mền mảnh, quý
giá. Quan tài được khiêng đặt vào một gian phòng khác có đèn nến luôn