mười sáu đại thần và chính đức vua định đoạt cho những người sát khảo ít
bị hỏng nhất; dốt quá thì bị giáng trật và không ai nói đến nữa. Bảng treo ở
trước cửa thành; và các ông tân khoa cũng như ông hỏng đều phải lên đài
trình diện. Các ông tấn sĩ được vua ban một cái áo sa tanh màu tím và được
rước về làng, có đàn sáo, có võng, nghỉ ngơi ba tháng ở quê nhà rồi vào
triều tập nghề làm quan. Các quan sứ cử ra ngoại quốc, nhất là sang Trung
Hoa, đều chọn trong số các ông tiến sĩ lỗi lạc nhất, đi sứ vua ban cho đủ
mọi thức tiêu dùng.
Triều đình
Tuy đức vua không có uy quyền và tất cả thế lực đều vào tay chúa Trịnh,
ngài vẫn được thần dân tôn trọng và triều đình vẫn được rực rỡ oai nghi.
Ngày rằm và mồng một, các đình thần bận triều phục vào lễ vua. Chúa
Trịnh trước kia cũng phải vào dự lễ bái vua, nhưng dần dần ngài đã biết
cách xin miễn và cử một quân vương đi thay!
Đối với chúa Trịnh, các quan đầu tỉnh, các quan coi việc án từ, các võ
tướng phải vào chầu ngày Nguyên đán, ngày sinh nhật của chúa hoặc khi
mình mới thắng trận; thành ra quyền chúa lớn hơn quyền vua.
Một người đàn ông xứ Đàng Ngoài chào ai cao quý hơn phải lễ bốn lễ,
đàn bà chỉ phải quỳ lạy một lần thôi. Vào chầu vua, quan phải bận phẩm
phục màu tím, quân đi hầu cũng phải mặc áo đồng màu.
Mỗi năm vào dịp tết Trung nguyên, vua ban thưởng cho các đình thần và
con cháu các vị công thần vàng bạc; phóng xá cho tội nhân chịu án hình
nếu không phải tội trảm hay án hộ nếu món nợ không quá hai nén bạc.
Bao giờ cũng vậy, cứ đến ba ngày cuối năm, bốn mươi quan đại thần đi
bắt các quan cao thấp văn lẫn võ tuyên thệ lúc nào cũng trung thành với
đức vua và nếu biết có cuộc âm mưu hại đến long thể, đến cuộc trị nguy
của quốc gia thì phải đi tố cáo. Nếu kẻ đi báo đã làm quan thì đức vua có
ban thưởng hay không là tùy ý, nếu là dân dã thì được thưởng năm mươi