tại như cơm ăn nước uống, như không khí hít thở hàng ngày. Vì cách mạng,
kháng chiến là một ngày hội không có điểm dừng. Là giai cấp vô sản có thể
tấn công lên cả trời. Là dù thân này có da ngựa bọc thây, thì khải hoàn ca
vẫn vang rền trên môi chiến binh. Là đường trường chinh vẫn không chồn
bước dẫu sốt run người và nắng mưa phai bạc áo hào hoa. Là nghiêng đồng
đổ nước ra sông. Là thay trời làm mưa. Là tháng không tuần, tuần không
chủ nhật. Là mưa lớn coi như mưa nhỏ. Là mưa nhỏ coi như không mưa.
Là không chỉ mỗi bên gánh một thùng nước, mà là hai, ba kia. Thành ra, cái
chuyện máy MTZ đổ ở bãi nương Thôn Ngựa Già, rồi bị kỷ luật lưu đảng
một năm chỉ là chuyện nhỏ, không đáng nhớ. Chuyện khác kia, khóc vì
chuyện khác cay đắng hơn kia.
- Chuyện gì thế? Nếu có thể, anh nói cho tôi nghe được không?
- Cay đắng thế đấy! - Ông Chí nói, giọng đã bình tĩnh trở lại: Tất
nhiên là thế hệ các anh không thể cảm thông hết cái phần sâu xa của câu
chuyện đâu. Ôi, những ngày Cách mạng tháng Tám long trời lở đất, nay
nhắc đến vẫn còn rạo rực cả tâm can, làm sao mà các anh có được cảm xúc
ấy. Bọn tôi, mười anh em trai làng Phù Lưu, chia làm ba mũi, tôi và một
anh nữa ở bên tả. Một nhóm khác bên hữu. Tốp cuối cùng bọc lót phía sau.
Đúng hẹn cầm mã tấu nhất tề xông vào huyện đường bắt trói tên tri huyện,
tuyên bố thành lập chính quyền nhân dân. Thế mà một tháng sau, có một
đoàn cán bộ tự xưng Việt Minh huyện trống dong cờ mở về làng, tuyên bố
đây mới là Việt Minh chính thống, và bắt trói hết chúng tôi. Họ xử bắn
ngay ba người. Còn tôi bị giam cùng sáu anh em. Đêm ấy, tôi liều mình
vượt ngục và chạy ra Hà Nội. Đúng lúc có phong trào Nam tiến. Tại sao
bọn tôi lại bị bắt bị giết? Chẳng hiểu nữa. Nhưng sau này thì tôi đoán ra:
Họ coi chúng tôi là bọn Việt Minh giả mạo, những kẻ tự phát, thiếu lãnh
đạo. Chuyện thật đấy mà nghe có lạ không?
- Cách mạng là thế! Sai lầm luôn đi đôi với cái gọi là phong trào. Cách
mạng là việc chưa biết, trong đó có những khoảnh khắc điên rồ.