Một cơn co thắt đột ngột chẹn ngang ngực đã khiến ông ngưng lời.
Xoa ngực cho ông, tôi ứa nước mắt thương ông. Có cảm giác như đã phần
nào nhận ra chân dung ông bên cạnh những ấn tượng không hay về ông, tôi
thành thật khuyên ông, rằng sau đợt đau ốm này nên thôi hẳn việc đi lại,
nói năng, bực bõ vô bổ đi, rằng ông nên trở lại trạng thái yên hòa, thư nhàn
là nền tảng của sức khỏe tuổi già.
- Có phải là mình đi chơi không đâu, Thược!
Cơn đau đã dịu. Ông nhìn tôi rầu rầu, khẽ khàng. Thì ra ông chưa chịu
nhận lĩnh sổ hưu, ông còn đi đây đi đó là để đòi người ta phải xác minh lại
giá trị của ông ở hai điểm. Một là, ông đã là cách mạng chuyên nghiệp
trong Hội Ái hữu thợ dệt, từ trước năm 1945, tiền khởi nghĩa; điểm này
quan trọng lắm vì nó có quan hệ đến phụ cấp lương bổng, và khi chết được
chôn ở Khu nghĩa trang A. Hai nữa, năm 1953, ông bị án kỷ luật cảnh cáo
vì quan hệ với một nữ đồng chí; nay, theo quan điểm mới thì phải xóa án
cho ông.
Tôi an ủi ông:
- Thôi, bác ạ. Những cái đó giờ đây còn có gì là quan trọng lắm đâu.
Bây giờ, quan trọng là bác về với bác gái, với các anh chị con bác là có đủ
niềm vui sống rồi. Lấy cái vui đó, thêm cái tự hào vì cả cuộc đời cống hiến
cho cách mạng lấn át cái buồn rầu, cái thiệt thòi lặt vặt đi, bác ạ.
Ông Tương Bằng nằm im. Ông không đủ hơi sức phản bác lại tôi rồi?
Hay là nhà cách mạng chuyên nghiệp này, trong giây phút cuối đời đã nhận
chân ra giá trị của mình và chấp nhận ý kiến của tôi, một gã trai tuổi chưa
bằng con gái ông? Dự đoán trong hoang mang, tôi bỗng chờn chợn, nổi da
gà sợ hãi, khi bỗng thấy ông he hé mở hai con mắt đỏ ké với hai hàng mi
ướt nhoèn.