xa lạ lắm, Thịnh có mấy khi trò chuyện với anh ngoài những công việc
thường ngày. Thịnh nghĩ tới Hiền. Có thể khi gặp Hiền. Thịnh sẽ nói cho
Hiền nghe… biết đâu Hiền sẽ có lời khuyên tốt cho Thịnh. Cô bé lim dim
mắt, cố tình để dỗ giấc ngủ bình an như chị Thanh nhưng không được.
Hình như kể từ giờ phút gặp Nghiêm, đời sống Thịnh không hoàn toàn do
Thịnh làm chủ nữa, mà nó còn bị chi phối bởi một thứ tình cảm chợt đến
mãnh liệt. Thịnh vẫn rất hiểu người ta chỉ gặp rồi quên, còn mình… sao
vẫn nhớ. Cái nhớ đang làm khổ mình đây. Đôi lúc, Thịnh đã ao ước, phải
chi mình chỉ là một cô bé quê mùa suốt tháng quanh năm lẩn quẩn xó vườn,
mình đừng giao tiếp với xã hội văn minh, xã hội đầy những trình diễn thời
trang, so sánh vật chất, có lẽ mình sẽ đỡ khổ hơn… Thịnh biết bạn bè đều
hiểu Thịnh và thương Thịnh… chỉ có mẹ… mẹ mới là người đàn bà duy
nhất hiểu Thịnh mà Thịnh có thể đặt vào tay mẹ tất cả lo âu của mình…
nhưng bây giờ với hình ảnh Nghiêm chợt đến, Thịnh thấy mình bỗng xa lạ
với mẹ. Những điều đang làm khổ Thịnh, mẹ không thông cảm được.
Lâu nay, Thịnh vẫn chạy trốn với chính mình những ý nghĩ phơi trần như
thế. Thịnh thấy sợ… không hiểu sao hôm nay Thịnh bỗng muốn phân tích
mình thật kỹ… chẳng hiểu để làm gì? Để xót xa thêm một ít sao? Thịnh
không biết đóng kịch, khi Thịnh đã sống thực thì cái sống thực đó được
phơi bày như một bệnh nhân dưới ngọn đèn mở. Như chị Thanh đang nằm
cạnh Thịnh ngon giấc, có bao giờ chị phải chật vật với những ý nghĩ này nọ
đâu? Như những cô gái khác, có một nhan sắc bình thường? Có phải chỉ có
Thịnh mới chìm mình trong những ý nghĩ đó?
Thịnh hiểu mình, hiểu đời sống trong ý nghĩ thu hẹp. Tất cả những bạn trai
của chị Thanh đều hầu như không biết Thịnh, bởi mỗi khi có ai đến nhà,
Thịnh đều rút lui vào phòng. Thịnh sợ những gặp gỡ bởi vì Thịnh chỉ thu
mình trong thế giới riêng tư. Thế giới của mặc cảm, của khổ sở của những
dằn vặt phi lý và không nguôi…
Chú thích:
* Noble: quý phái, sang trọng, lịch lãm