Sở dĩ tôi phải kể dài dòng cảnh "trên núi" như trên, là vì: Trên bản thảo
XCM, còn có tên là Bèo giạt, anh Tam đã ghi lại: "Hương Cảng, trên núi,
lúc 01giờ 30 trưa, ngày 16 tháng 10 năm 1949". Bản thảo XCM, được viết
lại lần đầu, ở Hương Cảng và Sường Châu. Sường Châu, hay Sheng Chou
là một hòn đảo nhỏ, cách Hương Cảng một hay hai giờ tầu thuỷ, tuỳ theo
chuyến chạy nhanh hay chậm. Nơi có gia đình ông Woòng, đã mấy đời, làm
nghề cho các thuyền đánh cá trên đảo thuê bến bãi đậu thuyền. Nhà ông
Woòng ở sát bờ biển, phong cảnh đẹp, không khí khoáng mát pha mùi nước
biển. Gia đình ông, ai cũng hiếu khách, rất quý trọng các nhà chính trị, chí
sĩ hay nghệ sĩ lưu vong. Ông Woòng để riêng hẳn một phòng cho khách
ngụ, dù ở bao lâu cũng được. Nhưng, ai muốn ở chơi lâu, đều đề nghị với
chủ nhà cho ăn riêng, tự nấu lấy bằng cái bếp dầu tây, bằng đồng. Vì thế
người Việt Nam tại Hương Cảng thường hay ra Sheng Chou chơi (trong số
này thời đó có anh chị hoạ sĩ Võ Lăng cùng con gái nhỏ, tên Hương Anh,
cũng đã tới đảo Sheng Chou một thời gian để vẽ; anh Lăng là em ruột anh
Võ Hải, bí thư của tổng thống Ngô Đình Diệm, thập niên 1960).
Anh Tam cũng từng vẽ phong cảnh Sường Châu. Giờ đây, mỗi khi có dịp
nhìn lại những tấm bìa cũ, các tựa sách do anh Tam phác hoạ, làm mẫu cho
nhà in "typo" của nhà xuất bản Đời Nay hay Phượng Giang, nằm trong bộ
tài liệu sưu tập của Nguyễn Tường Thiết, con trai anh Tam, lòng tôi lại
nhen lên một ánh lửa hồi ức, của que diêm kỷ niệm văn nghệ tưởng như đã
tàn. Mẫu bìa XCM, anh Tam vẽ, tuần tự từ trên xuống dưới: "Nhất Linh,
Trong Tự Lực Văn Đoàn, Truyện dài, Chữ ký của Nhất Linh 13.01.1950,
Huy hiệu và tên nhà xuất bản Đời Nay, 1950". Các nhà phê bình văn học
viết về nội dung, bố cục và bút pháp của XCM; còn riêng tôi, lại nhớ những
ngày tháng được nhìn thấy nét "chữ con kiến bò" của anh Tam. Nhỏ, nhưng
không tới nỗi quá khó đọc, chạy trên mấy trăm trang giấy bản thảo. Bản
thảo đầu tiên của XCM, anh Tam thai nghén từ năm 1940 tại nhà riêng phố
Hàng Bè Hà Nội đã mất hết trong chiến tranh, và tới năm 1948 mới được
anh viết lại ở Hương Cảng...
Như đã kể, năm 1948, khi đến Hương Cảng, tại túp lều kể trên, tôi được
gặp anh Tam lần đầu. Tôi không biết anh là nhà văn Nhất Linh. Khoảng