nghiêng ra ngoài vực; vực không sâu, có thể đi men men xuống. Bên dưới,
rất nhiều ốc sên, chẳng có gì đẹp, nên không ai buồn xuống đó. Anh
Nguyễn Gia Trí thường đem giá gỗ, ngồi vẽ dưới gốc cây. Cũng ở nơi đây,
tôi đã ngồi làm mẫu, để anh vẽ "portrait". Tấm tranh này, sau anh phải bán
cho ông bà Lãnh sự Anh ở Hương Cảng, khoảng năm 1948 hay 1949.
Chị Tam mua một chiếc ghế vải, có thể ngồi hay nằm tựa và chiếc bàn nhỏ,
kê ở trong hang đá, rồi gọi nơi đó là "nhà mát". Anh Tam đem vào nhà mát
một chiếc cặp da đựng bản thảo XCM cùng với bình thuỷ nước sôi, cà phê,
vài bao thuốc lá hiệu "Bastos xanh", một cái gạt tàn thuốc to gần bằng cái
đĩa tây. Với ngần ấy thứ, anh có thể ngồi suốt ngày trong hang đá, viết, viết
và viết... Cháu Kim Anh thích quanh quẩn chạy chơi loanh quanh chỗ bác
Tam viết, rồi lại chạy ra chỗ bác Trí vẽ. Các anh chỉ vui thêm chứ không
lấy thế làm phiền. Anh Trí còn bế cháu lên, cho cháu cầm cọ vẽ nghịch vài
nét ngay trên tấm tranh đang vẽ dở của anh. Anh bảo: "Không hề gì, rồi sửa
lại, được mà!"
Anh chị Tam, thường hay mời "cả nhà" đi ăn hiệu, (nhậm sà, uống trà), với
đủ các thứ bánh trái, xíu mại, há cảo, bánh bao v.v., ăn xong lại cùng đi dạo
cảnh Hương Cảng. Ai cũng biết đó là ý riêng của chị Tam bày vẽ ra thế,
muốn để anh có dịp đi nơi này, nơi kia cho khuây khoả. Khi về, anh Tam
bảo chị mua thêm vài thứ bánh, để làm quà cho một "bà già dưới chân núi".
Căn nhà của bà, cũng vách ván thùng cũ, mái cao su đen. Cửa chính hướng
về phía núi. Trước nhà có mảnh sân, trồng dăm luống rau cải, cà chua và
một dàn mướp. Lại thêm cái chuồng gà nơi góc sân, nom hệt như mảnh
vườn quê ở Việt Nam. Trông vào mà thấy ấm cả lòng! Ấm lòng hơn nữa, bà
già chủ nhà lại là người Việt Nam, chừng bảy mươi, vóc dáng xem còn
mạnh khoẻ. Bà thường xuyên mặc bộ quần áo Tàu rộng rinh, bằng vải dầy
màu lam sẫm đã bạc phếch, vá vài ba chỗ. Mái tóc trắng xám, khô, xơ xác,
cắt ngắn, lộ ra cái gáy đen đủi, nhăn nheo.
Vài năm trước đó, bà nhận ra chúng tôi là đồng hương, vì có một lần, anh
Đạo và anh Sơn đã nói chuyện với nhau trong lúc đi ngang qua nhà bà. Bà
chỉ nghe âm thanh của giọng mà nhận ra các anh là "Nàm dần", tức người
An Nam. Hầu như bà đã quên hết tiếng mẹ đẻ; không còn nói và hiểu nổi ý