Đọc bản thảo của Nhất Linh
Tên bài như trên chẳng qua là đặt cho gọn thôi. Nó mơ hồ, thiếu sót, có thể
gây ngộ nhận. Tôi không từng "nghiên cứu", cũng chưa đọc được bao nhiêu
bản thảo của Nhất Linh, để phát giác ra điều nào đáng kể trong sự nghiệp
trước tác của ông.
Sự thực Nhất Linh đã viết nhiều sách, bản thảo những tác phẩm xuất bản
trước 1954 không nghe nói có lưu giữ được không?, nhiều hay ít?, hiện
tàng trữ ở đâu? Còn lại là cái phần được in ở Sài Gòn sau đó. Trong phần
bản thảo ấy tôi cũng chỉ có dịp đọc qua một số ít - rất ít - mà thôi.
Dù vậy sự tiếp xúc với những trang chữ của bậc tiền bối lỗi lạc từng sống
một đời đầy giông bão và kết thúc đau thương, sự tiếp xúc ấy gây xúc động
và nghĩ ngợi. Ở đây chỉ là dăm ba ý nghĩ căn cứ vào một số trang bản thảo
may mắn được xem qua thôi.
Niềm vui
Thoạt tiên người đọc để ý đến điều này: là Nhất Linh thường ghi thời điểm
bắt đầu viết mỗi tác phẩm, thậm chí có khi mỗi phần trong tác phẩm:
Ở trang đầu bản thảo Giòng sông Thanh Thuỷ, có dòng chữ: "Khai bút
ngày 26 tháng 11 năm 1960". Dưới đó, bằng nét chữ nhỏ hơn, màu
mực khác hẳn, lại có câu: "Bắt đầu viết 28-11-60. Viết xong 28-1-61".
Ở bản thảo cuốn Viết và đọc tiểu thuyết, nơi trang ghi phác sơ lược thứ
tự dàn dựng toàn tác phẩm - từ "Mấy lời nói đầu" đến "Kết luận" - ông
đề ngày 21-4-52. Nơi trang 1 (Mấy lời nói đầu) ông đề ngày 10-5-52
. Nơi trang 21 (Nói về các nhân vật) đề ngày 26-6 v.v.
Ghi ngày ghi tháng: Chưa đủ. Có những trường hợp Nhất Linh còn ghi kỹ
cả giờ, cả phút nữa!