khánh thành càng long trọng. Trong xây dựng tác phẩm văn nghệ ở Nhất
Linh, mỗi bước mỗi như thế.
Vừa rồi có nói đến những người thấy viết lách lâu ngày thành thói quen
nhàm chán. Đó chẳng qua là một phương diện của thái độ tiêu cực. Lại có
phương diện khác, ngược lại. Của các vị nhận thấy viết văn là việc cực
quan trọng: là nhiệm vụ, là sứ mệnh, là cái nghiệp, là nghiệp vụ, nghiệp dĩ,
nghiệp... chướng v.v. Một số các vị khác thấy trước tác là cái lớn lao, thiêng
liêng, nhưng là việc cực nhọc, nguy hiểm (!), đòi hỏi sự hi sinh: trong văn
có lửa trong thơ có thép có máu, cầm bút cũng như cầm gươm cầm súng...
Trước các bản thảo của Nhất Linh, không thể hình dung ra một con người
uể oải chán ngán vì thói quen, cũng không thể nghĩ đến vẻ thê thảm của kẻ
mang nghiệp chướng, và cũng không thấy ra hình ảnh một chiến sĩ lừ đừ...
Tôi lại tưởng tượng ra một người đang khoái chí.
Khoái chí, tiếng ấy nghe có chỗ hỗn láo? Nó gợi một ý hồn nhiên của trẻ
thơ, ít ra cũng một vẻ mừng rỡ trẻ trung. Đàng này, Nhất Linh bấy giờ đã
thuộc lớp tuổi cao niên, trên đường văn nghiệp ông đã đến cái đỉnh của
danh vọng. Thế nhưng mỗi lần viết ông còn náo nức. Ông viết mà sung
sướng thấy rõ. Cảnh tượng ấy thật cảm động.
Vả lại trẻ trung hay trẻ thơ, náo nức hay sung sướng, thì có gì ngại phô
bày? Ông Thánh Thán hể hả la lối om sòm khi gặp bất cứ niềm vui cỏn con
nào, sao ta lại dè dặt vì niềm vui sáng tác? Năm 1950, ngày 13 tháng 3,
Nhất Linh viết xong chương XII của bộ Xóm Cầu Mới. Bốn mươi hôm sau,
ông ghi lên bản thảo mấy chữ: "Sáng 23-4 đọc lại: I am satisfied with me".
Câu anh văn ấy, nếu dịch ra giọng Thánh Thán thì là: "Bất diệc lạc hồ".
Cùng câu ấy, nếu đem ra diễn nôm theo giọng bình dân Nam bộ sẽ thành ra:
"Tôi khoái tôi quá trời!" chứ còn gì nữa? Tự nhiên thôi.
Nhất Linh nhiều lần nói đến cái sung sướng ở kẻ khác. Cô Mùi là một trong
mấy "cục cưng" của Nhất Linh. Ông thấu hiểu hết ruột gan của cô gái ấy.
Lúc cô ta bắt gặp mấy chữ trong bức thư của Siêu bộc lộ tình yêu, Mùi bị
một "cái sung sướng đột ngột nó như từ ở một nơi xa nào ùa vào tràn ngập
cả tâm hồn". Nỗi sung sướng còn phát ra... mùi thơm! "Trong gió thoảng
mùi lúa chín thơm và nỗi sung sướng của nàng, Mùi thấy cũng thơm như