sau (Chi bộ hai người) 135 trang, cuốn chót (Vọng quốc) 147 trang. Non
năm trăm trang sách ấy viết trong một hoàn cảnh đặc biệt: Trước khi Nhất
Linh bắt đầu bộ sách 17 hôm là ngày xảy ra chính biến 11-11-60. Truyền
đơn Mặt trận Quốc Dân Đoàn Kết do ba nhân vật đứng tên: Phan Khắc
Sửu, Nguyễn Xuân Chữ, Nguyễn Tường Tam. Mặt trận thất bại, Nhất Linh
bỏ nhà trốn lánh, hơn một năm trời nay đây mai đó, gia đình không rõ tung
tích.
Xóm Cầu Mới là sách viết chạy, Giòng sông Thanh Thuỷ là sách viết chui.
Tình cảnh cùng gian truân cả. Cuốn sách viết nhanh lại là cuốn được tác giả
thích ý. Ông ước mong sách được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp. Trên trang
đầu của bản thảo, ngoài bốn chữ Giòng sông Thanh Thuỷ ông còn tự mình
dịch sẵn nhan sách ấy ra ba thứ tiếng khác: Thanh Thuỷ hà (chữ Hán), La
rivière claire (Pháp) và Limpid water river hay Clear water river, hay
Clear river (Anh).
Eudora Welty là một tiểu thuyết gia Hoa Kỳ đồng thời với Nhất Linh; bà
vừa mới qua đời. Ngày nhỏ, bé Eudora chưa viết được truyện (dĩ nhiên!),
chỉ ham nghe kể truyện, nghe mê mẩn. Lớn lên, khi được bảo cho biết rằng
truyện là do có kẻ viết ra chứ không phải tự nhiên sinh ra như cỏ dại, bà
kinh hãi và thất vọng quá chừng.
Bà Welty ấy nếu được biết luôn đến trường hợp viết truyện của Nhất Linh -
viết đi viết lại, viết chụp giựt trong cảnh trốn lén - thì bà còn hồn vía còn
bụng dạ nào dám viết tiểu thuyết nữa!
Nỗi khổ
Nhất Linh, hễ cứ viết là ông thấy vui sướng. Như vậy ông phải là kẻ sung
sướng nhất đời, sung sướng không ai can nổi.
Đòi có nhà lầu xe hơi tiền muôn bạc triệu mới thấy sướng, đòi có quyền
cao chức trọng mới thấy vui thì khó. Chứ đối với người chỉ cần một gian
nhà nhỏ bên suối, với cơm ba bữa mỗi ngày, một cái võng, một ống tiêu,
với một cây bút, thì hoạ chăng có ông Tần Thuỷ Hoàng sống dậy mới bắt
người ấy khổ được thôi. Ngoài ra, ai bắt được?
Ấy vậy mà Nhất Linh rất khổ. Trong văn giới xưa nay hiếm ai khổ bằng