lĩnh hội được phần nào cái ý chính của toàn bộ, nghĩa là không có ý chính
gì cả ngoài cái ý tả cuộc đời về đủ mọi mặt"
Sau đó, viết Giòng sông Thanh Thuỷ, Nhất Linh lại lấy làm quan trọng về
cái ý truyện. "Sau đó", tức ba năm sau, ngày 10 tháng 1 năm 1961, hôm ấy
ông đắn đo suy đi nghĩ lại, ông viết "ý truyện" một lần thứ nhất, rồi không
vừa ý, ông gạch bỏ đi, lại viết "ý truyện" một lần thứ hai. Lúc ấy là 5 giờ
sáng. Lần trước gạch bỏ bằng bút mực đen, xong lại gạch nữa bằng bút chì
đỏ. Lần sau chỉ có nét gạch bằng bút chì đỏ thôi. Đến khi sách xuất bản, cả
hai đoạn ý đều không được in ra.
"Ý truyện", viết đi viết lại nội dung gần như nhau. Xin lấy bản viết sau:
"Mỗi người đều có một "kiếp" (karma); mọi hành động đều do những sức
ngấm ngầm trong bản thân thúc đẩy. Cuộc đời mình đi vào con đường nào
đều do sức thúc đẩy mà mình không tự biết ấy tuy mình vẫn tưởng là chính
mình tự chọn. Khi đã đi vào con đường ấy, mình bị một "guồng máy vô
hình" lôi cuốn, khó lòng thoát khỏi, chỉ việc noi theo, không nhận định
được đâu là xấu đâu là tốt, đâu là sự thực đâu là sai lầm."
Mặc dù "ý truyện" không được in vào sách, ý truyện vẫn hiển lộ rõ ràng
trong Giòng sông Thanh Thuỷ (Có lẽ chính vì sự hiển lộ quá rõ, quá đầy đủ
trong truyện mà nó không cần được tách ra nêu ở đầu sách). Những ý tưởng
(và cả từ ngữ) như kiếp, karma, xấu tốt đúng sai khó phân, guồng máy v.v.
đều có mặt trong truyện nhiều lần. Chữ "guồng máy" được nhắc đến
khoảng ba chục lần. Ở "ý truyện", guồng máy chỉ lôi cuốn thôi, trong pho
truyện guồng máy còn hung tợn hơn: nó là guồng máy khốc liệt (trang 55,
cuốn III), nó kẹp nát nhừ (trang 145, cuốn I), nó nghiền nát (trang 12, cuốn
II) v.v.
Người đọc có cảm tưởng sau Xóm Cầu Mới Nhất Linh bị hoạ chính trị ám
ảnh nặng. Nó uy hiếp cái viết của ông.
Sau vài chục năm viết truyện, Nhất Linh dần dần tìm ra, dựng nên, một lý
thuyết về tiểu thuyết. Bướm trắng (1939) được viết theo một quan niệm
mới, khác các cuốn trước. Đến năm 1942 ông bắt đầu viết hẳn ra một cuốn
sách về các nguyên tắc hướng dẫn cách đọc và viết tiểu thuyết. Công trình