vòng qua biển hoặc xung phong trực tiếp vào rặng Alcoy, ký hòa ước với
dông tố, với núi non, với biển cả.
Mỗi bạn đồng nghiệp, như vậy đấy, lẫn trong cái tổ đội vô danh dưới
vòm trời đông sầm tối của Toulouse, đã cảm thấy, vào một buổi sáng y như
thế này, lớn lên trong mình cái vì chúa tể, năm tiếng sau nữa, bỏ lại đằng
sau mình những con mưa và tuyết phương Bắc, bỏ lại mùa đông, hãm bớt
máy và bắt đầu hạ cánh giữa lúc mùa hè đang độ, trong ánh mặt trời rực rỡ
của Alicante.
Chiếc xe buýt ấy nay không còn, nhưng dáng vẻ nghèo khổ, thiếu tiện
nghi của nó vẫn sống mãi trong ký ức tôi. Nó tượng trưng cho sự chuẩn bị
cần thiết cho những niềm vui khó khăn của nghề chúng tôi. Trong chiếc xe
đó, rõ ràng cái gì cũng đạm bạc. Và tôi nhớ lại, trên chiếc xe ấy, tôi đã được
tin, cái tin được trao đổi trong vòng không quá mười lời, về cái chết của anh
lái Lécrivain, một trong một trăm người bạn đường bay, vào một ngày hay
một đêm mù, đã vĩnh viễn rút vào nơi yên nghỉ.
Lúc ấy ba giờ sáng, cũng trong bầu không khí yên lặng ấy, bỗng nhiên
chúng tôi nghe viên chủ hãng, đứng đâu đó trong tối đen, cất tiếng nói với
viên kiểm tra:
“Đêm nay, Lécrivain không thấy hạ cánh xuống Casablanca.”
“Vậy hả?” viên kiểm tra trả lời. “Vậy sao?”
Và, đang mơ màng, bị gọi giật đậy, ông ta phải cố gắng để tỉnh hẳn, để tỏ
rõ là mình quan tâm, và ông ta nói thêm:
“Vậy ư, thưa ông? Hắn ta không vượt được sao? Hắn ta quay ngược trở
lại à?”
Ông ta được trả lời câu đó, từ tít cuối chiếc xe buýt đơn giản một tiếng:
“Không.” Chúng tôi đợi viên chủ hãng nói thêm, nhưng không có lời nào
nữa. Một giây qua, một giây nữa qua, càng lúc càng thấy rõ ràng cái tiếng
“không” ấy không được tiếp theo bởi một tiếng nào nữa, rằng cái tiếng
“không” ấy là bất khả kháng, rằng Lécrivain không phải chỉ không thấy hạ
cánh ở Casablanca mà vĩnh viễn anh không còn hạ cánh ở nơi nào nữa.
Như vậy đấy, sáng hôm ấy, vào lúc bình minh của chuyến chở thư đầu
của tôi, đến lượt tôi trải qua những nghi lễ thiêng liêng của nghề nghiệp, và