các quan hệ trong đó lòng nhớ ơn hay tình thương không còn nghĩa lý.
Chính ở chỗ ấy là nơi người ta thở như một người tù được phóng thích.
Chúng tôi đã từng biết sự hòa hợp này. Ngày ấy chúng tôi từng tốp, hai
chiếc một, bay vượt, qua một vùng Rio de Oro còn chưa khuất phục. Tôi
tuyệt chưa hề nghe thấy một người bị lâm nạn cảm ơn người cứu mình.
Thường khi chúng tôi đến mức chửi nhau trong cuộc chuyển những bịch
thư từ rất mệt nhọc từ chiếc máy bay này sang máy bay kia: “Chó chết! Tao
mà hỏng máy là tại mày! Ai bảo gió ngược thế này, máy bay chở nặng thế
này mà lên tận độ cao hai nghìn? Giá mày theo tao xuống thấp hơn, giờ ta
đã đến Port-Étienne rồi!” Thế là người liều cái mạng mình cho người kia
bỗng nhiên xấu hổ vì bị cho là chó chết. Nhưng mà chúng ta cảm ơn anh ta
vì cái nỗi gì? Anh ta cũng có quyền lợi trên cuộc đời của chúng ta. Chúng ta
vốn là những cành nhánh cùng một cây. Mà anh là người cứu tôi, tôi cũng
tự hào về anh biết mấy!
Tại sao cái người chuẩn bị cho anh chết, anh ta lại phải than thở cho anh,
anh trung sĩ? Cái rủi ro này chỉ là những người này nhận trả cho những
người kia. Vào cái giây phút ấy, người ta khám phá ra sự hòa hợp không
cần ngôn ngữ gì nữa. Tôi đã hiểu việc anh ra đi. Nếu anh là một dân nghèo
ở Barcelona, có lẽ trơ trọi sau giờ lao động, nếu đến cái tấm thân anh cũng
chẳng có nơi nào cư trú, thì ở đây anh đón nhận cái cảm giác mình đã làm
tròn, anh đi tới cái đại đồng: giờ đây anh, người cùng khổ, anh được tình
yêu đón nhận.
Tôi cần gì biết chúng chân thành hay không, logic hay không, những lời
đao to búa lớn của các nhà chính trị, những lời đố có lẽ đã gieo mầm trong
anh. Nếu những lời ấy mọc trong anh, như hạt giống có thể đâm chồi, ấy là
chúng đáp được các nhu cầu của anh. Chỉ có những vùng đất mới nhận
dạng được cây lúa.