toán cứu trợ mon men trên các triền núi. “Mất mạng như chơi!” họ nói.
“Dải Andes không bao giờ chịu trả người vào mùa đông.” Lúc Deley và
mình hạ cánh xuống Santiago, các sĩ quan Chile, cả họ nữa, cũng khuyên
chúng minh thôi tìm kiếm. “Mùa đông mà. Bạn các ông có rơi xuống mà
không chết đi nữa, cũng chẳng sống nổi với đêm đông. Ở trên ấy, đêm tối
chỉ lướt qua ta, nó cũng biến được ta thành nước đá.” Cho nên, khi mình lại
luồn vào trong các vách, các thân trụ khổng lồ của dải Andes, mình có cảm
giác như không phải đang tìm kiếm cậu, mà là đang canh xác cậu, lặng im,
trong một nhà thờ bằng tuyết.
Sau cùng, vào ngày thứ bảy, trong một chuyến vượt tìm, mình dừng lại
ăn trưa, trong một cái quán ở Mendoza, bỗng có một người đẩy cửa và kêu
lên, chao ôi, ngắn ngủi thôi:
“Guillaumet… còn sống!”
Thế là tất cả những người không quen biết trong quán ôm chầm lấy
nhau.
Mười phút sau, mình cất cánh, chờ theo hai người thợ máy, Lefebvre và
Abri. Bốn mươi phút sau nữa, mình hạ xuống dọc một con đường, vì nhận
ra, không nhớ do cái gì mà nhận ra, chiếc xe chở cậu, chẳng biết chở đi đâu,
về hướng San Rafaël. Thật là cuộc gặp đẹp, tất cả chúng ta đều khóc, chúng
mình ghì chặt cậu trong vòng tay, cậu còn sống, cậu đã hồi sinh, cậu là tác
giả câu chuyện kỳ diệu của chính cậu. Chính lúc ấy, cậu bật lên nói, và là
câu nói mạch lạc đầu tiên của cậu, một nỗi tự hào tuyệt vời của con người:
“Cái mà mình đã làm, mình nói thật với cậu, không con vật nào làm được
đâu.”
Về sau, cậu kể cho chúng mình nghe về vụ tai nạn.
Một cơn dông tố, trong vòng bốn mươi tám tiếng đồng hồ, đã đổ một lớp
tuyết dày năm mét lên triền núi Andes phía Chile, bịt kín toàn bộ không
gian, những người Mỹ trong công ty Pan-Air đã quay trở lại. Vậy mà cậu
vẫn cất cánh đi tìm một vết rách trên trời. Cậu tìm thấy nó quá một chút về
phía Nam, cái bẫy ấy, và bấy giờ, vào quãng sáu nghìn năm trăm mét cao,
chế ngự mây mù, đám cao nhất cũng chỉ sáu nghìn mét, từ đó nhô ra những
chóp ngất nghểu nhất, cậu lái về hướng Argentina.