III:
Chiếc máy bay
Có là gì đâu, Guillaumet ơi, khi ngày ngày đêm đêm ta phải kiểm tra tất
cả các thứ máy áp suất, ta phải giữ thăng bằng với các thứ máy định hướng,
chẩn đoán hơi thở các động cơ, đặt mười lăm tấn thép trên vai mình: có là
gì đâu khi những vấn đề đặt ra cho ta, cuối cùng lại là những vấn đề con
người, và như vậy, tức khắc, dễ dàng, cậu cũng thanh cao giống như cái
thanh cao của người sống ở miền núi. Cũng như một nhà thơ, cậu biết cái
thú vị của những báo hiệu khi trời sắp rạng. Từ đáy vực của những đêm
gian khổ, cậu đã bao lần mong mỏi cái bó hoa nhàn nhạt này xuất hiện, cái
ánh sáng âm âm trỗi dậy từ trên những vùng đất đen kịt hướng Đông. Cái
giếng kỳ diệu ấy, đôi khi, trước mắt cậu, thật lâu mới tan băng giá và chữa
cho cậu khỏi bệnh ngay lúc cậu ngỡ là sắp chết.
Việc sử dụng một đồ dùng có tính chất cao cấp đã không biến cậu thành
một kỹ thuật viên khô khan. Tôi cho rằng những kẻ quá sợ các tiến bộ kỹ
thuật của chúng ta đã lẫn lộn mục đích và phương tiện. Ai phấn đấu cho hy
vọng duy nhất là của cải vật chất, cuối cùng chẳng gặt hái gì đáng cho mình
sống đâu. Nhưng cái máy không phải là mục đích. Chiếc máy bay không
phải là mục đích: nó là một đồ dùng. Một đồ dùng như cái bừa.
Nếu ta nghĩ rằng cái máy làm hoen ố con người, ấy có lẽ là vì ta có hơi
thiếu một chút lùi lại để đánh giá các kết quả của những biến đổi, nhanh
như những biến đổi ta vừa trải qua. Một trăm năm lịch sử của cái máy có là
gì đối với hai mươi vạn năm của lịch sử con người? Cái quang cảnh hầm
mỏ và các trung tâm điện khí này, chúng ta chỉ mới được nhìn ngắm đây
thôi. Chỉ mới đây thôi ta bắt đầu ở cái nhà mới, cái nhà mà chúng ta xây
cũng chưa xong. Cái gì quanh ta cũng biến đổi nhanh thế: quan hệ giữa
những con người, điều kiện làm việc, tập quán. Đến tâm lý của chúng ta, nó
cũng bị xô đẩy từ những cơ sở thầm kín nhất của nó. Những quan niệm về
chia ly, vắng biệt, cách trở, tái hợp, nếu chúng vẫn là những từ ngữ ấy, thì
ngày nay chúng cũng không còn chứa những thực tế như trước nữa. Ngày