Bỗng xuất hiện hai người con gái. Hai cô nhìn tôi một cách nghiêm nghị,
như hai quan tòa canh chừng bên ngoài một vương quốc cấm: cô trẻ hơn
bĩu môi và lấy một chiếc đũa gỗ màu xanh gõ gõ xuống đất, nghe giới thiệu
xong, họ đưa tay cho tôi bắt, rồi không nói một lời, với một vẻ thách đố rất
lạ, họ đi liền nơi khác.
Tôi vừa thấy buồn cười vừa mê mẩn. Tất cả cái đó giản dị, lặng lẽ và
thoáng chợt như tiếng đầu tiên của một niềm bí mật.
“Ôi chao, các ả man dã lắm!” người cha chỉ nói vắn tắt.
Và chúng tôi vào nhà.
Ở Paraguay, tôi thích cái giống cỏ như chế giễu nghếch mũi lên giữa các
tảng đá lát đường thủ đô, giống cỏ thay mặt cho rừng già vô hình nhưng lúc
nào cũng có mặt, đến đây xem loài người có canh giữ thành phố được kỹ
không, nếu chưa phải lúc ta có thể lấn chiếm tất cả các công trình bằng đá
kia một chút. Tôi yêu cái dạng điêu tàn đó, nó chỉ nói lên một sự giàu sang
thái quá. Nhưng ở đây, tôi bị mê hoặc.
Bởi vì mọi vật đều điêu tàn, và điêu tàn một cách tuyệt diệu, kiểu một
thân cây già đầy rêu bao phủ mà tuổi tác đã làm cho nứt nẻ một chút, như
cái ghế gỗ dài, nơi những cặp tình nhân hay đến ngồi từ mươi thế hệ.
Những thứ đồ gỗ đã mòn cũ, cửa ngõ rệu rã, bàn ghế què thọt. Dù không cái
gì được sửa sang, nhưng rõ là ở đây người ta đã quét dọn thật tận tình. Cái
gì cũng sạch sẽ, được đánh sáp, bóng loáng.
Phòng khách do thế có một khuôn mặt sâu sắc khác thường giống khuôn
mặt răn reo của một bà cụ. Tường nứt, trần hở, tôi đều ngắm và phục, và
ngắm phục nhất là cái sàn đã sụt đó đây, giống một cái cầu, nhưng luôn
luôn được đánh láng, quét dầu, bóng lộn. Thật cái nhà đã lạ, nó không tỏ ra
khinh suất, buông thả chút nào, trái lại nó khiến ta kính trọng khác thường.
Rõ ràng là mỗi một năm qua đi đã thêm một cái gì vào vẻ yêu kiều của nó,
vào sự thâm trầm của khuôn mặt nó, vào nhiệt tình của không khí thân mật
trong nhà cũng như mặt khác, mỗi năm qua đi cũng tăng thêm hiểm nguy
cho cuộc hành trình phải tiến hành từ buồng khách sang buồng ăn.
“Cẩn thận!”