lên hướng có Bonnafous, vì anh ta sẽ ra đi, khi bình minh tới, thúc đẩy bởi
một mối hận thù mang mọi dấu hiệu của tình yêu.
Một lần nữa, anh ta nghiêng người sang phía người anh, nói thì thầm và
nhìn tôi.
“Chú ấy bảo sao?”
“Chú ấy bảo rằng chú ấy sẽ bắn anh nếu gặp anh ở ngoài đồn.”
“Tại sao?”
“Chú ấy bảo: Anh có máy bay và vô tuyến điện, anh có Bonnafous,
nhưng chân lý thì anh không có.”
Mouyane không cử động trong các tấm áo choàng xanh, nếp áo như nếp
tượng, phán xét tôi.
“Chú ấy bảo: Anh ăn rau giống hệt như loài dê, và ăn thịt lợn như loài
lợn. Phụ nữ của anh để trần mặt ra không xấu hổ gì hết: chú ấy đã gặp. Chú
ấy bảo: Anh không bao giờ cầu nguyện cả. Chú ấy bảo: Máy bay, vô tuyến
điện, Bonnafous, nào dùng được vào việc gì, nếu anh không có chân lý?”
Nên tôi khâm phục cái anh người Moor không bảo vệ cho sự tự do của
mình ấy, bởi vì trong sa mạc, bao giờ người ta cũng tự do, anh ta không bảo
vệ những kho báu mắt người trông thấy, vì sa mạc vốn trơ trụi, nhưng anh
ta bảo vệ cho một vương quốc thầm kín. Trong yên tĩnh của những làn sóng
cát, Bonnafous như một thằng giặc bể, dẫn toán quân của mình, và nhờ ông
ta mà đồn trại ở Mũi Juby này không còn là lều quán của các mục sư không
có việc gì làm. Cơn dông tố của Bonnafous đè nặng lên đồn trại ấy và vì
ông ta mà chiều tối người ta thu vén lều trại lại. Cái yên tĩnh, ở phương
Nam, thật se lòng: đó là sự yên tĩnh của Bonnafous! Và Mouyane, anh thợ
săn già, lắng nghe sự yên tĩnh đó bước đi trong gió.
Khi Bonnafous rút về đất Pháp, những kẻ đối địch hắn ta không mừng rỡ
mà khóc thương, như thể việc hắn ta ra đi đã tước mất của sa mạc một trong
những cái cực của nó, như thể việc đó tước khỏi cuộc sống của những kẻ
đối địch ấy một chút lòng tự tôn, họ bảo tôi:
“… Tại sao hắn đi, cái tên Bonnafous ấy?”
“Tôi không biết…”