ấy sẽ sống lại, chỉ mỗi việc nó hồi sinh, nó cũng xua tan đi được cái vỏ
ngoài của người nô lệ. Đôi khi, trong im ắng của đêm khuya, mọi kỷ niệm
của anh trở về trọn vẹn với một tiếng hát trẻ thơ tròn đầy: “Nửa đêm,”
người phiên dịch tiếng Moor kể lại với chúng tôi, “nửa đêm, anh ta nói về
Marrakech, và anh ta khóc.” Trong cô quạnh, không ai thoát được những
cuộc trở về như thế. Con người kia thức dậy trong anh không báo trước,
vươn vai bằng bốn chân tay anh, tìm kiếm người đàn bà bằng chính thịt da
anh, ở cái nơi sa mạc này mà không một người phụ nữ nào tới được. Bark
nghe nước reo hát trong các giếng ở nơi mà không giếng nào chảy cả. Và
hai mắt nhắm nghiền, Bark tưởng mình đang ở một mái nhà trắng, đêm đêm
ngôi nhà ấy vẫn êm đềm dưới ngôi sao ấy, ở nơi mà mọi người đều ở trong
các nhà bằng vải và theo sau ngọn gió. Chất nặng những yêu thương cũ
bừng nóng lại một cách bí mật của mình, như thể cực đỉnh của chúng là ở
trong gang tấc, Bark đến với tôi. Anh muốn nói với tôi rằng anh đã sẵn
sàng, mọi yêu thương của anh đã sẵn sàng, và để phân phát chúng, anh chỉ
còn mỗi việc là trở về nhà anh. Và chỉ cần tôi gật đầu. Và Bark cười, chỉ
cho tôi cái cách đó, mà hẳn là tôi chưa nghĩ tới:
“Mai có chuyến thư… Anh giấu tôi trong chuyến đi Agadir…”
“Tội nghiệp anh Bark!”
Bởi vì chúng tôi ngày ấy sống ở đất loạn, làm sao chúng tôi có thể giúp
anh trốn được? Người Moor, ai biết được là hôm sau họ sẽ trả thù cuộc
đánh cắp và thóa mạ đó bằng cuộc sát hại nào. Nhờ những thợ máy ở trạm
nghỉ, Laubergue, Marchal, Abgrall, tôi tìm cách mua Bark nhưng không
phải là ngày nào cũng gặp người châu Âu hỏi mua nô lệ nên người Moor
liền lợi dụng.
“Hai chục nghìn phơ răng!”
“Ông giễu chúng tôi sao?”
“Thì anh hãy trông: tay hắn vạm vỡ thế kia…”
Hàng tháng trôi đi.
Sau cùng, giá treo thách của người Moor hạ xuống, và được những
người bạn ở Pháp mà tôi có viết thư giúp đỡ, tôi thấy có thể mua được anh
bạn Bark.