Laubergue đến tìm tôi thay cho Marchal và Abgrall. Không nên để Bark
chết đói một khi xuống máy bay. Ba người đưa một nghìn phơ răng để tôi
dành cho Bark. Như thế, anh ta có thể tìm được việc làm.
Và tôi nghĩ đến các bà lớn làm việc thiện “bố thí” cho người ta hai chục
phơ răng và buộc phải nhớ ơn. Laubergue, Marchal, Abgrall, thợ máy trên
máy bay, cho một nghìn, không bố thí, càng không buộc phải nhớ ơn. Họ
cũng không hành động vì lòng thương hại, như các bà già nghĩ mình đang
làm phúc kia. Những con người này chỉ tham dự vào việc trả lại cho một
con người cái danh dự làm người của anh ta. Những người này, cũng như
bản thân tôi, họ biết quá đi chứ, rằng một khi đi qua cơn say ngất ngây vì
được trở về, thì cô bạn gái chung thủy đầu tiên đến thăm Bark sẽ chính là sự
nghèo khó, không đợi đến ba tháng, anh sẽ đầu tắt mặt tối thôi, sẽ phải lễ
mễ dỡ các tà vẹt, ở một nơi nào đó trên các đường xe lửa. Ở ta, anh ta sẽ
không sướng bằng ở sa mạc đâu. Song anh ta có quyền trở lại làm mình ở
giữa những người thân.
“Thôi, anh Bark, hãy đi đi, hãy sống ra con người.”
Chiếc máy bay rung lên, sẵn sàng cất cánh. Bark cúi nhìn một lần sau
chót cái chơ vơ mênh mông của Mũi Juby. Trước máy bay, hai trăm người
Moor xúm xít để nhìn cho được rõ khuôn mặt của một người nô lệ nó đổi
khác như thế nào ở ngưỡng cửa vào cuộc sống. Máy bay mà hỏng, xa hơn
đấy, một chút, họ sẽ thu hồi anh ta.
Chúng tôi làm hiệu từ biệt đứa sơ sinh năm mươi tuổi của chúng tôi,
chúng tôi có hơi xao động vì bắt đầu đưa anh ta vào cuộc rủi may trong
cuộc thế.
“Từ biệt, Bark!”
“Không phải!”
“Sao lại không phải?”
“Không phải. Bây giờ tôi tên là Mohammed ben Lhaoussin.”
Lần sau cùng chúng tôi được tin tức của anh ta là do người Ả Rập
Abdallah. Abdallah, theo lời chúng tôi yêu cầu, là người giúp đỡ Bark ở
Agadir.