mở ra sự sống. Nơi chồng tôi bao lần vục mặt, mân mê chùm lông man dại,
bảo rằng như rừng rậm hoang dã. Anh là nhà văn không thành. Henry
Miller nhà văn đã thành, và đã có lần viết, tôi dấu con chim của tôi trong
đám lông man dại của nàng.
.....
Và đứa bé gái đúng ba ngày lọt khỏi lòng đã bị bế đi, khi hai bầu vú bà
đang rạn nứt sữa căng, khi cửa mình bà rách bươm như bị dùi dao đục
khoét. Một tháng sau, bà ra sau hè, đứng xé vụn tấm ảnh Đức Mẹ Đồng
Trinh, thả xuống lỗ cầu tiêu, dội nước cho trôi sạch.
Đứa bé gái... mãi nhiều năm sau, “chị Thoa” mẹ đặt tên, gọi chị trong giấc
mơ, trong trí tưởng, trong những câu chuyện rớt rơi... đến giờ này, anh chưa
lần gặp mặt, nhưng chị Thoa là điểm tựa, là hi vọng, là giấc mơ cho đời mẹ
vin lên bao phen gục ngã.
Nghĩa là, người đàn bà không đầu đang ngồi đằng kia, kìa.
Bà là mẹ, sinh ra chồng tôi. Sa con gọi bà là bà nội.
15
Về đây, tôi ôm được cái bóng khổng lồ trong lòng anh. Rờ được vết đau
tươi rói, căng phồng máu mủ nguyên thủy, để tin chắc rằng, sẽ chẳng bao
giờ là vết sẹo phủ bọc da non. Gia đình, một bịch máu mủ, cuống rốn,
buồng trứng, tinh trùng đúng nghĩa. Từng khuôn mặt, tên gọi, giọng nói,
ngôn ngữ, dòng họ, nóc nhà, mảnh sân trước, góc vườn sau... một thời chia
sẻ tưởng rằng sống chết cho nhau, vì nhau, cùng nhau... giờ thì không là
một phần đời sống mà là toàn bộ đời sống nghiệt ngã, bi thương, khổ nạn.
Càng ấn sâu, càng trồi mạnh. Càng đè xuống, càng bùng lên, phọt ra, lan
tràn, trườn trồi qua muôn vạn ngả.