tinh trùng. Con chỉ cần biết mẹ là đủ! Qua rồi cái thời bắc võng ru con, chỉ
bóng trên tường: cha con đấy, để rồi chọn cái chết oan thay cho lời bày tỏ
lòng trung trinh tiết nghĩa, nay là chuyện cổ tích.
Nơi tôi ở, miền Bắc tiểu bang California với những buổi họp mặt, ăn trưa,
gặp gỡ... đủ những nụ cười, những cái nhăn mặt của mọi sắc dân. Năm thực
khách bước vào nhà hàng toàn người da trắng là nhận ngay ra sự khác biệt.
Họ Nguyễn đã bắt đầu quen thuộc trong trường học, sở làm, giữa chốn
công cộng. Hết còn bị người bản xứ phát âm Nu-gen, như thời chân ướt
chân ráo tị nạn bẩy lăm, người Việt lúc đó gặp nhau ngần ngừ chỉ trỏ Mít
Mít phải không? chỉ cần một cái gật đầu là lòng sung sướng như tìm lại
được đứa con thất lạc lâu ngày.
2
Tôi đến Dục Mỹ trời vừa chập choạng, màu tối đang lấn màu sáng. Từ Sài
Gòn ra đây xe chạy đúng mười hai tiếng. Bốn bánh xe trải qua không biết
bao trăm ngàn lỗ hổng gọi là ổ gà, ổ trâu, ổ heo. Chị Hạnh, chị họ xa, ngồi
sát cạnh, mắt liên hồi trợn, căng trắng dã, thở hắt liên tục: Ổ voi chứ chẳng
phải ổ gà! Đầu tôi cứ bị tống mạnh lên tận đỉnh trần. Không dây thắt an
toàn. Hai tay ghì chặt thành ghế, mỏi mệt lẫn buông xuôi.
Khuôn mặt Dục Mỹ đón tôi nhá nhem, như khuôn mặt đứa bé con nhà
nghèo cả ngày chưa rửa. Gà đã xua vào chuồng. Tôi tắm rửa, xối nước ào
ào. Chén cơm, với những hạt sạn suýt mẻ răng, da gà nổi ran tận háng.
Chưa xong bữa, tăm đã rải trên bàn. Xỉa, quẹt, chẳng ai buồn lấy tay che
miệng, tôi cũng thế, ai sao mình vậy. Xỉa răng che miệng là giả tạo, kiểu
cách, thậm chí là sỉ nhục. Những chữ sorry, please, thank you... không thể
áp dụng nơi chốn này. Nhất là trong căn nhà tôi đang xỉa răng, hai chân rút
cao trên ghế.
.....
Tôi ngồi im trong bóng tối. Ngọn đèn neon dài hắt ánh sáng xanh bệnh
hoạn. Tôi ngó quanh, điểm từng khuôn mặt người sống trong căn nhà này.