Núi non vừa lúc trước có vẻ như bị đẩy dần xa bởi sắc màu ảm đạm của
mùa thu, đã sống động và ngời sáng lên trong tuyết.
Những cây bá hương phủ một làn voan trắng mỏng nổi lên trên nền tuyết,
dù không hề trộn vào nhau vẫn tạo thành một khối sẫm, mà cây nào cây nấy
hiện ra với dáng nét riêng biệt rõ ràng.
Thế là tuyết đã kéo ra từng sợi và cũng như chính tuyết đã dệt những sợi
thành tấm vải. Rồi chính tuyết lại giặt tẩy cho nó sạch bong ra. Tất cả sự tạo
thành, bắt đầu và kết thúc trong tuyết. "Vải chijimi 15 chỉ sinh ra khi có
tuyết, có thể nói, tuyết là mẹ đẻ của chijimi", như ai đó đã viết trước đây lâu
lắm.
Bàn tay của những người đàn bà trong Xứ Tuyết này, làm việc triền miên
trong những tháng dài tuyết phủ mùa đông, kéo sợi, dệt thành những tấm
vải gai mỏng, thứ cây được thu hoạch từ những thửa ruộng chênh vênh đầu
núi. Shimamura sành sỏi về loại vải ấy sục tìm trong các cửa hàng lâu đời ở
Tokyo những miếng vải đã trở thành khan hiếm, để may những bộ kimono
mùa hè. Mối quan hệ với giới múa đã giúp anh khám phá được cửa hàng
chuyên may y phục cổ cho tuồng Noh và anh đã giao kèo với chủ tiệm phải
may cho anh đầu tiên, khi anh có trong tay tấm vải chijimi chính phẩm.
Người ta kể lại rằng, xa xưa, vào dịp hội chợ chijimi thường khai trương
vào mùa xuân, lúc tuyết tan, chính là lúc người ta dỡ đi những cánh cửa sổ
kép của mùa đông, người từ khắp nơi đổ xô tới để mua thứ vải nổi tiếng ấy.
Những khách buôn giàu có ở các đô thị quan trọng như Edo, Nagoya hay
Osaka, cũng đã giữ chỗ trước ở những quán trọ theo truyền thống. Các cô
gái từ khắp nẻo của xứ sở, từ các lũng cao cũng trẩy hội xuống đem theo
sản phẩm lao động của sáu tháng cuối cùng trong năm; đem theo cả không
khí của ngày hội, nườm nượp những sạp hàng vải chen với những mặt hàng
khác, đủ loại, những hàng của các hội chợ, những trò diễn...trai gái chen
chúc nhau từng đám, vào hội tưng bừng. Những mặt hàng vải trưng bày đều
đính theo nhãn gì ghi tên và địa chỉ của cô gái đã dệt thành, bởi có một cuộc