- Than này lấy ở phòng người ốm đây, - cô nói. - Nhưng anh yên tâm:
người ta bảo lửa diệt hết các loại vi trùng.
Cô cúi xuống cời than hồng, cô cúi thấp đến nỗi mái tóc vừa được cô chải
lại cẩn thận gần như quét vào lò sưởi kotatsu. "Đó là con bà dạy nhạc, anh
ta bị lao ruột, - cô giải thích, - anh ta về nhà chỉ cốt để chết!". Nhưng anh ta
không sinh ra ở đây. Nói đúng hơn, đây là nhà của mẹ anh ta. Bà tiếp tục
dạy múa ở vùng biển ngay cả khi bà đã thôi làm geisha. Nhưng khoảng năm
bốn mươi tuổi, bà bị liệt và chính là để chừa bệnh mà bà trở về khu suối
nước nóng. Con trai bà vốn say mê máy móc từ nhỏ, đã ở lại học việc tại
nhà một người chữa đồng hồ. Về sau, anh ta lên tận Tokyo để vừa làm vừa
học buổi tối, nhưng do quá vất vả, nên sức khỏe anh ta suy sụp.
Anh ta mới tròn hai mươi lăm tuổi.
Những điều này Komako đã nói hết cho Shimamura không chút ngập
ngừng. Nhưng tại sao cô lại không nói một lời về cô gái cùng đi với người
ốm? Và tại sao cô không hề giải thích về sự có mặt của chính cô trong ngôi
nhà này.
Dẫu sao, nghe cô nói, Shimamura vẫn cứ cảm thấy ngượng nghịu. Anh
có cảm giác từ trên cái ban công chơi vơi của cô, cô nói vang ra khắp bốn
phương.
Lúc đang bước ra cửa, anh thoáng thấy màu trắng mờ của một vật mà
trước khi bước vào ban nãy anh không để ý, đó là cái hộp đựng đàn samisen
có kích thước rất lạ. Nó rõ ràng là rộng hơn và dài hơn bình thường, anh
khó tưởng tượng nổi Komako lại đem một thứ cồng kềnh thế này đến các
buổi dạ hội. Vừa lúc, có ai đó đẩy cánh cửa sẫm màu dẫn vào phía trong.
- Komako, em bước qua hộp đàn được không?
Một giọng nói cất lên hỏi, đó là một giọng cảm động, có âm sắc trong và
đẹp đến não lòng: giọng của Yoko, không thể nào quên đối với Shimamura