đúng lúc chạy ngang đường rầy xe lửa xuyên qua trung tâm thành phố,
không hiểu sao xe bỗng chết máy. Nơi đây không có đèn báo hiệu, không có
cây chắn. Có thể nhận ra xe lửa cách đó cả dặm nếu bạn chú ý. Nhưng lúc ấy
anh lo lúi húi trên tay lái, cố khởi động máy trở lại, còn Louise nhắm mắt để
tránh nhìn anh. Và rồi, trước khi cả hai kịp nhận biết chuyện gì xảy ra, xe
lửa đã đâm vào xe hơi của họ.
Darryl may mắn bị hất tung ra khỏi xe, chỉ bị ít vết thương nhẹ. Louise
bất tỉnh tại chỗ, và sau nhiều lần phẫu thuật cô tuy thoát chết nhưng vĩnh
viễn không thể đi lại và nhan sắc bị huỷ hoại hoàn toàn với nhiều vết sẹo
chằng chịt trên mặt.
Cũng có cuộc điều tra, nhưng chuyện Darryl say rượu được ỉm đi. Cha mẹ
Louise cũng không muốn làm lớn chuyện. Vài tuần sau Darryl rời Madison
– và chưa bao giờ quay trở lại.
Nhưng chuyện ấy đã lâu lắm rồi. Và thời gian có thể chữa lành mọi vết
thương. Kể cả với Louise Braden. Sau gần chục năm sống thui thủi đầy mặc
cảm, cô làm tình nguyện viên giúp việc cho một bệnh viện và cống hiến
không mệt mỏi cho các hội đoàn và uỷ ban, làm công tác từ thiện…
Cống hiến nhiều nhất của cô là cho các buổi họp kỷ niệm hàng năm của
cựu học sinh trung học Madison. Cô nhớ tên từng người, tìm ra địa chỉ của
họ, viết thư mời, bỏ tiền túi đóng góp phần lớn chi phí cho những buổi họp
mặt. Và không ai từ chối lời mời của cô. Trừ Darryl Crawford. Cho đến năm
nay.
Đã 30 năm… Hẳn mọi người đã quên đi chuyện cũ và sẵn sàng tha thứ.
Darryl viết thư báo tin nhận lời.
* * *
“Sao, Darryl đấy à! Sau ngần ấy năm!”
“Tôi vẫn nhận ra anh dù ở bất cứ đâu, Darryl. Chắc chắn New York không
khiến anh thay đổi nhiều.”