Kể ra cũng có nhiều người đến trấn an dân trong buôn nói chung và gia
đình Hre Đăng nói riêng. Trước hết là y sĩ trạm xá tại xã. Anh nói Hre Linh
bị mắc một dạng bệnh thần kinh – điên loạn, và cần đưa lên bệnh viện tỉnh
điều trị theo đúng các phương pháp khoa học. Còn Vũ Mạnh, trưởng công
an xã, quyết định cho đội tuần tra đêm nào cũng rảo quanh buôn Lak. Tuy
nhiên dân trong buôn dường như vẫn không sao gạt bỏ được nỗi ám ảnh về
mụ phù thuỷ. Nội trong không đầy một tháng, ít nhất ba lần có kẻ chợt
hoảng sợ la hét trong đêm – một đứa trẻ trong giấc mơ, một bà già đang khi
nằm trên giường bệnh và Hre Linh thêm một lần lên cơn điên loạn. Và, lần
nào người ta cũng đổ lỗi cho “mụ phù thuỷ Y Bông”.
Trong khi ấy “mụ phù thuỷ” vẫn không thay đổi thói quen hàng ngày: cho
lũ quạ đen ăn, lên làm rẫy giắt theo con chó mực và đêm đêm chui vào túp
lều thui thủi một mình…
* * *
Càng gần Tết trời càng trở lạnh. Gió bấc hun hút lùa theo triền núi đổ về
buôn Lak. Ngày 24 tháng Chạp, Vũ Mạnh trở về nhà sau lần tuần tra thì đã
gần nửa đêm, tự nhiên anh có cảm giác mơ hồ lo ngại. Quả vậy, anh vừa ngả
lưng thiu thiu thì điện thoại reo vang. Ở đầu dây bên kia là giọng của nhân
viên trực đêm:
— Có chuyện nghiêm trọng vừa xảy ra ở buôn Lak. Con trai của Y Bốc
vừa bị giết. Tất cả dân trong buôn đều cho rằng chính mụ phù thuỷ là thủ
phạm. Không cách nào thuyết phục hoặc ngăn cản họ nổi.
Mười phút sau Vũ Mạnh có mặt tại hiện trường, dẫn theo hơn chục nhân
viên cảnh sát. Chung quanh nhà của Y Bốc là cả một không khí nóng bỏng
gây rối: đàn ông, phụ nữ chia thành từng nhóm nhỏ xôn xao bàn tán. Nhân
viên vừa gọi Vũ Mạnh khều riêng anh ra, báo cáo nhanh tóm tắt tình hình:
— Con trai Y Bốc, mười tuổi, bị lên cơn mộng du. Nó leo lên nóc nhà,
trượt chân ngã xuống đất bể đầu chết. Mọi người cho rằng nó bị mụ phù