hoá nào hay trong một tập đoàn nào – quả thật sự ngài có cần được
tự do tự tại như ngài cần ăn uống, cần sinh lý, cần sung sướng hay
không. Và ngài cũng phải biết coi ngài sẵn sàng thuận hưởng tiến
bước là bao xa và bao sâu để ngài được tự do tự tại. Tôi cho đấy là
việc duy nhất ta có thể làm ở buổi họp đầu tiên – hay đúng hơn, đấy
là việc duy nhất chúng ta có thể làm trong suốt ba tuần lễ này, vì đấy
là việc duy nhất ta có thể cùng chia sớt với nhau: việc đó thôi chứ
không việc gì khác nữa. Các ngài hiểu chứ? Tất cả những điều khác
đều trở thành tình cảm nhẹ dạ, là sủng ái, là xúc động và đó đều là
ấu trĩ. Nhưng nếu các ngài và tôi thật sự chúng ta đang truy tầm
đang tự hỏi thế nào là tự tại tự do, và thật sự tìm học; tựu trung nếu
chúng ta được tự do, thì cả thảy chúng ta đều sẽ được tham dự vào
nguồn phong phú của thực tại này.
Như lúc bắt đầu tôi đã nói rồi, ở đây không có kể giáo chủ cũng
chẳng có người đệ tử. Cả thảy chúng ta ở đây đều đang tìm học,
nhưng không phải tìm học về người đang nói này, cũng không phải
tìm học về những kẻ quanh ta. Chính tự tâm mình là cái mà các ngài
đang tìm học. Và nếu các ngài là người đang nói, chính ngài là
người ngồi bên cạnh ngài. Nếu ngài tự học về mình thì ngài mới có
thể thương yêu người ngồi bên cạnh ngài. Bằng chẳng vậy, thì ngài
không thể thương yêu gì cả, và tất cả mọi sự rốt lại chỉ là những
danh từ. Ngài không thể yêu thương được người ngồi bên cạnh ngài
nếu ngài có lòng ganh đua tranh chấp. Toàn cả cơ cấu xã hội chúng
ta – về kinh tế, về chính trị, về luân lý, về tôn giáo – căn cứ ở sự
ganh đua, tranh chấp, thế mà đồng thời ta lại bảo rằng chúng ta phải
yêu thương người thân cận mình. Việc đó thế nào mà có được, vì ở
đâu có sự ganh đua, tranh chấp thì ở đấy không sao có được tình
thương.
Để nhận hiểu thế nào là tình thương, thế nào là chân lý, thì sự tự tại
tự do là điều cần thiết, và không một ai có thể ban bố cho ngài được
tự do tự tại. Tự ngài phải khám phá cho chính ngài bằng cả lao lực
gian nan kiên trì.