muốn tìm cái gì thường tồn bất biến, một cái gì trường cửu, liên tục
và công cuộc tìm kiếm của họ, do đó, luôn luôn nằm trong vòng tù
ngục của thời gian. Nhưng như ta có thể thấy đó, không có cái gì là
thường tồn cả. Mọi tương giao của ta, mọi công việc của ta, tất cả
đều thoáng qua, vô thường. Và bởi vì chúng ta quá sợ hãi sự biến
mất, tiêu tan của vạn vật, nên chúng ta tìm kiếm cái nguyên lý
thường tồn nên được chúng ta gọi là cái vĩnh cửu, cái bất tử hay
bằng một danh từ khác. Nhưng công cuộc tìm kiếm cái thường tồn,
cái bất tử, cái vĩnh cửu, chỉ là một phản ứng, nên hoàn toàn vô giá
trị. Chỉ khi nào tâm thức thoát khỏi ý muốn về sự chắc chắn, tâm
thức mới bắt đầu khám phá xem có cái được gọi là vĩnh cửu, vượt
ngoài không, thời gian, vượt ngoài chủ-thể-tư-tưởng và ngoài những
gì mà chủ thể ấy đang tư tưởng hay đang tìm kiếm không. Muốn
quan sát và thấu hiểu mọi điều đó, đòi hỏi phải có một sự chú tâm
trọn vẹn và một giới luật uyển chuyển do sự chú tâm ấy phát sinh.
Trong trạng thái chú tâm đó, không có sự phóng tâm, đãng trí,
không có cố gắng, không có một xao động nhằm vào chiều hướng
nào cả, bởi vì một xao động loại này, mọi nguyên nhân thôi thúc,
đều là hậu quả của một tâm thức bị ảnh hưởng nhiễm độc, hoặc bởi
quá khứ hoặc bởi hiện tại. Trong cái trạng thái chú tâm thung dung
buông xả đó, một sự tự do phi thường được phát sinh, và chỉ lúc
bấy giờ – vì đã hoàn toàn trống rỗng, yên lặng không nhúc nhích –
tâm thức mới có thể khám phá cái vĩnh cửu.
Có lẽ các ngài muốn đặt nhiều câu hỏi về vấn đề đã được trình bày
sáng nay.
H: Làm sao thoát ly được ý muốn về sự chắc chắn.
K: Danh từ "làm sao" ngụ ý một phương pháp phải không? Nếu ngài
là một kiến trúc sư và tôi hỏi ngài làm sao xây cất một ngôi nhà, ngài
có thể trả lời tôi, bởi vì có nhiều phương pháp, nhiều hệ thống, nhiều
cách thế để thực hiện việc xây cất. Nhưng việc áp dụng một phương
pháp hay một hệ thống là đã qui định tâm thức rồi; vậy ngài hãy
nhận thức chỗ khó khăn của việc dùng danh từ "làm sao".
Và chúng ta cũng phải thấu hiểu ý muốn nữa. Ý muốn là gì? Hôm