hẳn chẳng có gì là ác hại cả, chỉ khi ta lợi dụng gia đình làm chỗ an
ninh, tâm lý cho ta, thì gia đình mới thành cái thuốc độc giết người.
Muốn sợ điều ấy ta phải thông cảm với lòng tham cầu muốn được
an toàn an ninh, cái lòng sở cầu ăn sâu bén rễ quá đậm trong lòng
ta rồi. Nó trở đi trở lại mãi dưới xiết bao hình thức: chẳng những
trong gia đình thôi, mà cả trong những kỷ niệm và trong sự áp chế
hay ảnh hưởng tương sinh trong các cuộc tương giao giữa người
với người. Ta nhớ lại những sự việc nào trong các cuộc tương giao
ấy khả dĩ làm ta vui thích, sự việc nào đã làm cho ta ít nhiều hy vọng
hay ít nhiều bảo đảm gì đó, và ta ẩn náu trong các kỷ niệm ấy. Còn
có sự an ninh của việc lanh lợi tháo vát của sở học kiến thức, lại có
sự an ninh qua tài năng: ta biết vẽ, ta biết chơi đàn, hoặc ta có một
khả năng nào khác.
Khi ta thông cảm với lòng ham muốn xui khiến tìm cầu sự an ninh,
và khi ta nhận thấy chính lòng ham muốn kia đã dấy sinh những sự
mâu thuẫn ở nội tâm, vì tuyệt nhiên chẳng có gì trên đời này, kể cả
chính bản thân ta đây nữa, chẳng có gì là an toàn, an ninh cả, vừa
khi mình nhận thấy ra điều ấy (chẳng phải nhờ ai chỉ bảo cho) và khi
mình đã giải quyết trọn vẹn vấn đề rồi, thì mình đã thoát ngay vòng
mâu thuẫn, và do đó mà thoát cả sự sợ hãi.
Nói thế đã đủ cho hôm nay chứ?... không biết có bao giờ các ngài
từng được lặng lẽ nơi tự tâm chăng. Khi bước trên đường phố thì
tâm thức được hoàn toàn tịch lặng, ta quan sát, ta lắng nghe, mà
không tư niệm gì cả. Khi ta cầm lái xe, ta nhìn con đường, nhìn
những cây cối, nhìn các xe đang qua qua lại lại, đó là quán sát mà
không nhận biết, mà không có sự vận dụng tác động của tư nhiệm.
Tư niệm cần vận hành tác động thì nó càng tiêu mòn tâm thức, nó
không chừa chỗ cho tính hồn nhiên ngây thơ và chỉ có tâm thức hồn
nhiên mới có thể nhận thấy được thật tại.
16 tháng Bảy 1964