con người đích thực.
Khi ý thức sâu xa điều vừa trình bày, ta phải làm thế nào? Bằng
chẳng có cuộc chuyển hoá tận căn ấy, thật cách mệnh ấy, bằng
chẳng có cuộc chuyển hoá ấy ngay tại căn cội của bản thể ta, thì
các vấn đề của chúng ta về mặt kinh tế và xã hội cứ càng lúc càng
gia tăng và càng trở nên trầm trọng. Vậy tâm thức chúng ta cần phải
mới mẻ và tươi nhuận, và muốn được vậy, cuộc chuyển hoá ấy phải
phát sinh tận nơi sâu thẳm của tâm thức ta, và không thể chỉ là
thành quả của một hành vi ý chí: cuộc chuyển hoá ấy phải không có
tính cách dụng ý.
Không biết tôi nói thế có rõ ràng chăng.
Khi thấy cần thiết phải thay đổi, ta có thể vận dụng ý chí của ta để
phát động ra cuộc thay đổi ấy. Ý chí là một dục vọng do một sự
quyết định hướng dẫn nó vào một đường hướng đặc biệt nào đó và
do tưởng niệm, sợ hãi, sự chống kháng phát động. Nhưng mọi sự gì
có thể kết thành do một hành động nào phát từ dục vọng, từ ý chí,
đều bị giới hạn, cục bộ. Đó chỉ là diên trì biến tướng của những gì
đã hiện hữu, như ta có thể thấy điều ấy trong thế giới cộng sản,
cũng như trong những xứ tư bản. Vậy cần phải có cuộc cách mệnh
phi thường, một cuộc cách mệnh tâm lý ở bản thể con người, trong
chính con người, nhưng nếu con người đeo mang một mục đích
nào, một kế hoạch nào, thì cuộc cách mệnh ấy lại lẩn quẩn trong
giới hạn của cái đã biết, thế tức là không có mảy may gì là thay đổi
cả.
Tôi có thể thay đổi tôi, tôi có thể buộc tôi thay đổi cách thức tư
tưởng của tôi, có thể thuận nhận những tín ngưỡng, có thể buộc
mình từ bỏ những thói quen, gác dẹp niềm ái quốc hẹp hòi của tôi;
tôi có thể tự mình "tẩy não" cho mình, thay vì phải chịu một chính
đảng hay một giáo hội nào tẩy não cho. Mọi việc đó đều khá dễ
dàng nhưng tôi thấy toàn là luống công, vì toàn chỉ hời hợt bên
ngoài, không đưa đến tận chỗ giác ngộ sâu mầu mà từ đó mới có
thể thật sự sống, thật sự hiện thể và thật sự hành động. Thế thì ta
phải làm sao đây?