2.
Hôm rồi, khi chúng ta họp mặt tại đây, tôi có nói về việc cần thiết
phải có tự do, và tôi không dùng danh từ ấy ở nghĩa tự do bề ngoài
hay phiến diện, tại một vài giai tầng của tâm thức, mà nói phải tự do
một cách toàn triệt – tự do ngay tận ở gốc rễ của quan năng tư
tưởng chúng ta, trong tất cả mọi động tác của chúng ta về mặt thân
xác, mặt tâm lý và mặt tâm thần. Sự tự do ngụ hàm việc vong bặt
trọn vẹn mọi vấn đề, có phải thế không? Vì khi mà tâm thức được tự
do thì nó có thể xem xét và tác động một cách hoàn toàn tỏ suốt, nó
có thể trả lại tự thể, không một mảy may gì mâu thuẫn. Theo tôi,
cuộc sống đa đoan đầy những vấn đề – dù là vấn đề về kinh tế, xã
hội, riêng tư hay công cộng – vốn tổn hại hay bại hoại sự sáng suốt.
Và hẳn ta cần phải tỏ ra sáng suốt. Ta cần có cái tâm thức nhận thấy
tỏ suốt mỗi vấn đề lúc nó vừa xuất hiện. Cần một tâm thức khả dĩ
biết tư tưởng mà không rối loạn, trước nhiễm, một tâm thức có tư
chất lưu luyến, yêu thương – lưu luyến và yêu thương ở đây không
dính líu chi với tình xúc động và thói đa cảm.
Để được tâm thái tự do ấy – điều này khó hiểu vô cùng và đòi hỏi
một công phu quan sát rất tường tận – ta phải có cái tâm thức tịnh
định và tịch lặng, một tâm thức tác động vận dụng trọn vẹn, chẳng
những ở mặt ngoài, mà tận cả ở trung điểm. Sự tự do này không
phải là một sự thể trừu tượng, không phải là lý tưởng. Sự vận hành
của tâm thức tự do là một thực tại. Sự vận hành của tâm thức tự do
là một thực tại, không mảy may gì liên hệ với những lý tưởng và
những sự thể trừu tượng. Sự tự do ấy phát sinh một cách tự nhiên,
như nhiên – tuyệt chẳng do cưỡng ép, giới hạn, chế ngự, kiểm soát
hay khuyến dụ gì, khi ta hiểu được toàn bộ tiến trình của những vấn
đề: hiểu rõ chúng xảy đến thế nào và dứt bặt thế nào. Vì, thực sự,
chúng khuấy loạn tâm thức và khi ta trốn tránh chúng, ta vẫn còn
mắc phải tổn thương, trói buộc, không tự do. Không giải trừ được
mỗi vấn đề vừa khi nó xuất hiện, dù ở một giai tầng nào cũng thế –
như về mặt thể xác, tâm lý, xúc cảm – thì tâm thức ấy không thể có