K: Thưa bà, tôi e là có sự ngộ nhận giữa chúng ta. Tôi xin lỗi. Có lẽ
do những danh từ tôi chọn dùng không được đúng. Bà không lĩnh
hội được điều mà tôi gọi là sự trống rỗng… Nhưng đây, chúng ta
đang nói về sự sáng tạo.
Tôi đã được nghe trong một trường đại học nào đó người ta giảng
dạy cái gọi là văn chương sáng tạo, hội họa sáng tạo. Sự sáng tạo
có thể giảng dạy được sao? Cứ luyện tập hoài một điều gì đó khiến
có thể sinh một tâm thức sáng tạo sao? Một nhạc sư có thể truyền
dạy cho các ngài về cái kỹ thuật chơi vĩ cầm, nhưng hiển nhiên là kỹ
thuật không thể đem thiên tài đến cho các ngài được. Người có tinh
thần sáng tạo có thể tự tạo cho mình cái kỹ thuật, nhưng thường thì
người ta nghĩ rằng nên bắt đầu học lấy cái kỹ thuật trước đã. Hãy
lấy một tỉ dụ thông thường, dù rằng tỉ dụ không phải là những giải
thích. Thế nào là một cuộc sống giản dị? Ta cho rằng sống giản dị là
phải chiếm hữu rất ít của cải, phải ăn thật ít, phải tránh làm cái này
cái nọ. Bên Á châu, kẻ chỉ vận một cái y, sống cô độc một mình, và
chỉ ăn mỗi ngày một bữa, được xem là người sống rất giản dị.
Nhưng có thể nội tâm họ là một hỏa diệm sơn bị thiêu đốt bởi những
dục vọng, đam mê, khát vọng. Cuộc sống giản dị của người ấy chỉ là
một dàn cảnh bên ngoài khiến người xem phải nghĩ: "Người này
sống thật là giản dị". Mà cái tâm thái ấy thực ra, chính là tâm thái
của đa số các ông thánh: bề ngoài trông họ giản dị, nhưng ở nội
tâm, họ đầy tham vọng, họ gò bó tâm thức họ, họ tự ép mình rập
khuôn theo vài kiểu mẫu nào đó, vân vân. Cho nên tôi nghĩ rằng sự
giản dị phải bắt đầu từ bên trong, chứ không phải bên ngoài. Cũng
tương tự như vậy, bằng phương thức diễn đạt bên ngoài, ta không
thể nào khởi động sự sáng tạo. Sáng tạo là một trạng thái sống
chứ không phải là sư tìm kiếm phương tiện kỹ thuật để tự phô diễn.
Trạng thái ấy là sự khám phá ra cái tối thượng và chỉ có thể phát
sinh khi không còn bất kỳ hành vi nào của cái ngã trong bất kỳ chiều
hướng nào.
Nhưng chúng ta hãy trở lại câu hỏi của bà này về sự trống rỗng.
Phần đông người đời, mặc dù sống trong giao tiếp với kẻ khác,
nhưng họ vẫn sống trong cô đơn. Tôi không nói về loại tâm thái ấy.
Một tâm thái trống rỗng hoàn toàn khác hẳn với cái tâm thái cô độc.